Hơn 40 năm sống cùng với bệnh vảy nến, ông N.Đ.T (SN 1960, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, thời gian đầu mắc bệnh, đi đâu cũng bị mọi người xa lánh.
"Bệnh này tự phát, không rõ nguyên nhân. Mỗi lần ăn uống không kiêng thì sẽ bị ngứa nhiều hơn. Bị lâu quá nên các khớp viêm hết, nó phá hủy cơ thể lắm", ông T cho hay.
Đặc biệt, vảy nến không chỉ mắc ở người cao tuổi mà gặp ở tất cả các mọi người. Chị V.Q.N (SN 1999, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, đã mắc căn bệnh này từ năm 13 tuổi. Thời gian đầu, chị N cảm thấy rất mặc cảm, tự ti và thường né tránh đám đông, ngại giao tiếp.
"Tôi bị chủ yếu ở trên mặt, da trắng nên các vết đỏ nổi lên rất rõ. Việc mắc bệnh vảy nến ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập và làm việc sau này rất nhiều", chị N kể.
Anh P.T.H (SN 2001, ngụ quận 8, TP.HCM), hiện đang là sinh viên cũng gặp trường hợp tương tự. Theo anh H, các vết vảy nến xuất hiện từ năm 2019, bắt đầu lan rộng và rõ hơn trên mặt và da đầu.
"Lúc đầu tôi nghĩ là ăn gì bị dị ứng, tuy nhiên vết đỏ và ngứa ngày càng tăng. Cũng may mắn vì trong suốt 3 năm bị, tôi vẫn duy trì điều trị theo bác sỹ và mọi người xung quanh cũng hiểu nên bệnh cũng giảm và giảm bớt đi cảm giác tự ti", anh H nói.
Trả lời VTC News, ThS.BS Phạm Thị Uyển Nhi - Phó trưởng phòng KHTH Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết bệnh vảy nến là bệnh ngoài da gây phát ban với các mảng ngứa, có vảy chủ yếu ở đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu.
Theo BS Nhi, vị trí tổn thương khi mắc bệnh vảy nến có màu hồng hoặc đỏ, thậm chí màu tím hoặc nâu sẫm; riêng vảy có thể màu trắng, bạc hoặc xám.
"Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính kéo dài. Đây là bệnh không lây, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện từ 20 - 30 tuổi và từ 50 - 60 tuổi. Tỷ lệ mắc giữa nam và nữ tường đương nhau", BS Nhi nhận định.
BS Nhi cho biết thêm, các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh vảy nến bao gồm phát ban loang lổ với nhiều hình dạng khác nhau, từ những nốt vảy giống như vảy gàu đến nốt ban lớn khắp cơ thể.
Ban có màu khác nhau, người có màu da nâu hoặc da đen thường rơi vào sắc tím; người da trắng có sắc hồng hoặc đỏ với vảy bạc. Đốm vảy nhỏ (thường gặp ở trẻ em), da khô, nứt nẻ có thể chảy máu, ngứa, rát hoặc đau nhức, phát ban theo chu kỳ, bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng rồi giảm dần sau đó.
Theo BS Nhi, bệnh vảy nến là một bệnh mạn tính (giống như bệnh cao huyết áp, đái tháo đường); khi đã mắc bệnh cần điều trị (dùng thuốc) suốt đời.
Khi điều trị thì các triệu chứng sẽ giảm hoặc biến mất, nhưng nếu thấy triệu chứng biến mất mà bỏ điều trị thì bệnh sẽ trở lại và nặng hơn.
Vị chuyên gia này cho rằng nếu bệnh nhẹ chỉ cần điều trị tại chỗ bằng thuốc bôi. Bệnh mức độ trung bình dùng phương pháp quang trị liệu với tia cực tím. Bệnh nặng dùng thuốc tiêm, thuốc uống… hay thuốc sinh học. Do vậy, khi đã được chẩn đoán mắc vảy nến, người bệnh nên tuân theo sự hướng dẫn y khoa của các bác sỹ để kiểm soát tốt bệnh vảy nến.
Nguyên nhân mắc bệnh vảy nến có thể di truyền trong gia đình, khoảng 1/3 người mắc bệnh vảy nến báo cáo có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Các nghiên cứu về cặp song sinh giống hệt nhau cho thấy 70% khả năng một cặp song sinh mắc bệnh nếu người kia mắc chứng rối loạn này; tỷ lệ này chiếm 20% ở cặp song sinh không giống hệt nhau. Những phát hiện này cho thấy cả tính nhạy cảm di truyền và phản ứng môi trường trong việc phát triển bệnh vẩy nến.
Bên cạnh đó, bệnh vảy nến có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm khớp vảy nến, u lympho, tim mạch, bệnh Crohn và trầm cảm. Riêng viêm khớp vảy nến ảnh hưởng đến 30% số người mắc bệnh; những người trẻ tuổi mắc bệnh vảy nến cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Người bệnh vảy nến có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn 1,58 lần so với người không mắc bệnh này.
BS.CKII Bùi Mạnh Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị vảy nến, đặc biệt là những trường hợp viêm khớp vảy nến, trong đó có nhiều trường hợp phải ngồi xe lăn do khớp bị tổn thương, biến dạng không thể tự đi lại được. Nguyên nhân do bệnh nhân viêm khớp vảy nến tự ý điều trị bằng các thuốc uống, bôi không rõ nguồn gốc.
"Khi phát hiện bệnh vảy nến, người bệnh nên đến những cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị thích hợp. Việc tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thuốc theo quảng cáo để điều trị vảy nến, về lâu dài sẽ làm mất cơ hội chăm sóc lúc đầu để hạn chế nguy cơ tàn phế sau này cho người bệnh", BS Hà khuyến cáo.
Bình luận