Phó giáo sư Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng việc người dân Bắc Ninh dồn dập đưa con đi lấy máu xét nghiệm sán lợn là không cần thiết.
Ông Cường lý giải, xét nghiệm máu sàng lọc hiện nay chỉ phát hiện kháng thể và kháng nguyên của ấu trùng sán lợn trong huyết thanh, với các trẻ khỏe mạnh không triệu chứng là vô nghĩa. Nếu kết quả dương tính sán cũng chỉ khẳng định là trẻ có phơi nhiễm với trứng sán do ăn uống phải nguồn nước, rau sống chứa trứng sán, không phải do ăn thịt lợn chứa ấu trùng (lợn gạo).
Người ăn phải thịt lợn chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Để khẳng định ăn thịt lợn gạo mà bị bệnh sán trưởng thành thì phải lấy mẫu phân làm xét nghiệm xem có thấy đốt sán trưởng thành hay không. Nếu có đốt sán mới khẳng định người bệnh bị bệnh sán trưởng thành, chứ không phải bị bệnh do nhiễm ấu trùng.
Những người có nguy cơ hoặc triệu chứng như động kinh, có vấn đề về thị lực không rõ nguyên nhân, rối loạn tiêu hóa, hấp thu, bệnh nhân nghi ngờ ấu trùng sán não, xuất hiện các nốt dưới da... thì mới xét nghiệm tìm ấu trùng sán, thậm chí phải làm nhiều xét nghiệm khác để khẳng định như siêu âm, chụp cắt lớp, sinh thiết...
Theo ông Cường, xét nghiệm máu sàng lọc dương tính với sán thì chưa đủ khẳng định là có bệnh ấu trùng hay không và bác sĩ chỉ điều trị khi có triệu chứng, nếu không thì chỉ theo dõi. Ngoài ra có tỷ lệ dương tính chéo giữa sán lợn với một số loại ký sinh trùng khác.
"Trường hợp các cháu ở Bắc Ninh nếu không có triệu chứng, tức là chỉ phơi nhiễm với bệnh, thì không cần phải điều trị", ông Cường nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết giun sán có mặt rất nhiều trong môi trường, trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước miếng của động vật. Vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường rất quan trọng nhưng khó tránh khỏi nhiễm sán.
Theo bác sĩ Khanh, đa số khi giun sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể sẽ tự thải ra, nhưng xét nghiệm vẫn dương tính. Vì vậy, có khi xét nghiệm dương tính nhưng thực chất trong người không có, không còn giun sán nào cả. Xét nghiệm giun sán rất dễ nhầm vì nhiễm giun sán này đã hết lâu rồi nhưng lại xét ra giun sán khác. Nhiễm giun sán người nhưng xét nghiệm ra giun sán chó, mèo, lợn.
"Chỉ bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi... và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng 'chạy nhầm đường' lên não, da, mắt... mới chỉ định xét nghiệm. Trẻ nhỏ hay người lớn không có triệu chứng gì thì không cần xét nghiệm", bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, tất cả giun sán khi xâm nhập vào cơ thể đều có thời gian ủ bệnh, cơ thể mới tạo ra lượng kháng thể chứ không thể hôm nay ăn mà mai có bệnh ngay. Có loại cả mấy tháng sau khi ăn phải, xét nghiệm mới có kết quả nhiễm giun sán.
Bác sĩ khuyên định kỳ từ 3 đến 6 tháng sổ giun một lần, phải có thói quen ăn chín uống sôi, dùng thực phẩm an toàn. Nếu nghi ngờ ăn phải món có thể nhiễm giun sán thì cho trẻ uống thuốc sổ giun, không nhất thiết lo lắng chạy ngược chạy xuôi để làm xét nghiệm. Đối với giun sán thì nên dùng albendazol, mebendazol, pyrentel; nhiễm sán lợn thì dùng thuốc praziquantel hay albendazol.
Những ngày qua có nhiều cháu nhỏ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được gia đình đưa đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để khám xác định bệnh ấu trùng sán lợn. Các bác sĩ đang tích cực khám chẩn đoán phát hiện các triệu chứng, đánh giá các nguyên nhân, các yếu tố dịch tễ, tiền sử sử dụng các loại thức ăn bị ô nhiễm, làm xét nghiệm và thực hiện các phân tích để có chẩn đoán.
Việc chẩn đoán một người có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó.
Để xác định nguồn lây truyền, đường lây... cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.
Theo Cục Y tế dự phòng, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút. Vì thế, ăn thức ăn nấu chín, không ăn rau sống sẽ phòng nhiễm sán lợn.
Những ngày qua gần 2.000 phụ huynh ở Bắc Ninh đồng loạt đưa có lên Hà Nội xét nghiệm sán, sau khi bếp ăn trường mầm non xã Thanh Khương bị phát hiện dùng thịt bẩn. Đến tối 17/3 có 209 bé xét nghiệm dương tính với sán. Ngày 18/3 học sinh 19 trường mầm non ở Bắc Ninh được lấy mẫu tại chỗ và gửi lên Hà Nội xét nghiệm.
Bình luận