• Zalo

Bác sĩ trực kể về tai nạn đau lòng dịp Tết

Sức khỏeThứ Năm, 14/02/2013 06:25:00 +07:00Google News

(VTC News) – Vào mấy ngày đầu năm mới, lượng người vào cấp cứu chật cứng, không có chỗ cho người khỏe đứng vì tràn ngập cáng cứu thương.

(VTC News) – Vào mấy ngày đầu năm mới, lượng người vào cấp cứu chật cứng, không có chỗ cho người khỏe đứng vì tràn ngập cáng cứu thương.

Ngày Tết và tình thương Bác sĩ  - Bệnh nhân

Những ngày Tết bệnh viện vẫn làm việc. Các bác sĩ, điều dưỡng vẫn trực. Khi chọn nghề này, họ phải hy sinh nhiều thứ trong đó có niềm vui đón Giao thừa bên gia đình, người thân.

Ngày Tết, những ca tai nạn vẫn xảy ra và bác sĩ, điều dưỡng luôn phải có mặt để cấp cứu bệnh nhân.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh,  Khoa tim mạch, lồng ngực, bệnh viện Việt Đức kể: “Bệnh viện vào những ngày này cũng có không khí Tết ấm cúng như trong gia đình. Với những bệnh nhân phải ở lại viện ăn Tết, bệnh viện có bánh trái, phong bao lì xì cho bệnh nhân. Không khí cũng ấm cúng lắm.

Ngày đầu tiên của năm mới, bác sĩ đi thăm khám bệnh nhân bao giờ cũng mang theo bao lì xì và chúc sức khỏe. Ở bên ngoài, lời chúc sức khỏe luôn là những lời quý thì ở trong viện, nó càng ý nghĩa hơn nhiều.  Bác sĩ mong bệnh nhân sớm mạnh khỏe và ra viện. Còn bệnh nhân cũng muốn mình mau khỏe.

Ngày Tết, phải ở lại viện là việc chằng đừng, thường là những bệnh nhân bệnh nặng, luôn cần sự theo dõi của bác sĩ. Nhưng cũng trong ngày Tết, tình thương, tình yêu của con người mới bộ lộ rõ.

“Vào những ngày này,  tôi cảm nhận được rất rõ tình thương giữa bệnh nhân và bác sĩ. Là tình thương giữa con người với con người. Tình thương ấy ngày thường bị sự hối hả, lo toan che lấp.

Phòng mổ vẫn sáng đèn dù là vào thời khắc giao thừa.
Trước đây, ở bệnh viện Việt Đức có tòa nhà cao 7 tầng với sân thượng lộng gió. Trên đó có rất nhiều kỷ niệm với nhiều thế hệ bác sĩ, điều dưỡng. Đó là tòa nhà cao, có tầm nhìn rộng, xa. Đêm giao thừa, lãnh đạo bệnh viện, cán bộ, nhân viên trực đều lên đó cùng nâng ly và chúc mừng năm mới hạnh phúc. Cảm giác đó, tôi không bao giờ quên. Tôi thấy hạnh phúc và cảm nhận công việc của mình thật là ý nghĩa.

Ngày thường, công việc cứu người khiến chúng tôi xoay tròn, không còn thời gian để suy nghĩ nhiều cho chính mình. Ngày Tết, những người mặc áo trắng được cụng ly. Tuy nhiên cũng có bác sĩ, điều dưỡng không còn biết đến những giờ phút Giao thừa nữa. Đúng giây phút đó, họ đang cầm dao mổ để giành giật sự sống cho bệnh nhân”.

Ngày Tết, nhiều bác sĩ trực còn mang theo đồ đến viện chia vui, tạo không khí Tết ở cái nơi mà buồn nhiều hơn vui ấy.

Ước muốn nhà nhà bình an

Nhưng Tết đến cũng khiến người gắn bó với bệnh nhân này lại thấy đau lòng và tiếc nuối. Anh Vinh tâm sự: “Năm ấy, có chị Hoa, một bệnh nhân bị nhiễm trùng nội tâm mạc do vi trùng vào máu. Sau 2 tháng nằm viện điều trị tình trạng nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, tình trạng sức khỏe khá lên rất nhiều và theo tính toán các bác sĩ là mồng 10 tết là có chỉ định phẫu thuật thay van.

Ở nhà chị Hoa, còn có 2 đứa trẻ, nó mong mẹ quây quần biết chừng nào. Nhớ nhà, nhớ con nên chị Hoa xin về dù viện muốn giữ chị lại điều trị.  Nhìn bên ngoài, chị Hoa trông khỏe mạnh, không phải truyền dịch, không thở máy.

Chị về rồi, đến mùng 4 Tết, tôi nhận được điện báo chị Hoa đã mất. Lòng tôi trĩu nặng khi thông báo với cả khoa về tin buồn này”.

Ngày Tết, trong ký ức trưởng điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh là những giọt nước mắt… khi anh phải chứng kiến những cảnh đau lòng.

Anh bảo, giá như bố mẹ biết quan tâm tới con hơn, giá như người lớn ít dùng rượu bia hơn, kiểm soát được nó thì đã không có những tai nạn đau lòng đúng  vào ngày Tết cổ truyền.

Nhắc lại những ký ức, anh Vinh xúc động đến cao trào. Anh bảo hình ảnh về những đứa trẻ gặp nạn trong ngày Tết lại ùa về trong anh. Anh không muốn nhắc lại, gợi lại sợ gia đình họ đau lòng mà chính anh cũng đau đớn vô cùng.

Nhưng nếu không kể ra thì sẽ có những trẻ em khác sẽ gặp tai nạn như vậy vì sự bất cẩn của cha mẹ vào ngày Tết. Anh chỉ mong sao, các bậc cha mẹ chú ý hơn, giữ an toàn cho con những ngày Tết. Để ngày này, gia đình được vui vẻ, đầm ấm.

Anh kể: “Hình ảnh cháu bé ấy vào cấp cứu tai nạn trông thương tâm lắm. Trên bộ quần áo đi chơi Tết của cháu còn lấp ló lộ ra phong bao lì xì. Vậy mà thân thể cháu…

Hôm đó, cháu theo bốmẹ đi chúc Tết, nhà vốn ở trong làng, mấy khi cháu được ra đường to đâu. Đi chúc Tết họ hàng, bố mẹ đi trước, những tưởng con đi theo ngay sau. Ngờ đâu trẻ con mải vui, mải nhìn và đùa nghịch nên đi sau bố mẹ một đoạn. Thế là chiếc xe trên đường quốc lộ cán vào cháu…”

Cấp cứu cho người già.

Quay lại những ký ức buồn trong những ngày trực Tết, anh Vinh chia sẻ về một ca cấp cứu đau lòng khác khiến anh không bao giờ quên. Gần Tết, ở nông thôn, nhiều gia đình xây nhà mới. Có tiền đến đâu họ xây đến đấy, thậm chí xây xong tầng hai cũng không làm lan can ngay.

Vì vậy mà đúng ngày Tết đã có 1 bé trai 4 tuổi ở Thanh Hóa rơi từ tầng 2  xuống và xuyên qua thanh sắt nhọn cắm ở tường dưới tầng 1. Gia đình phải cấp cứu cháu cùng với thanh sắt ấy. Chỉ nghĩ thôi đã thấy cháu đáng thương đến ngần nào nữa là chứng kiến, hẳn đau đớn lắm.

Trong ngày Tết, người người uống rượu, uống bia, hơi men chếnh choáng, vì vậy cứ khoảng mùng 2 Tết hàng năm là ngày cấp cứu tai nạn giao thông đạt mức kỷ lục.  Hơi men khiến người điều khiển xe không làm chủ tốc độ.  Hơi men dễ kích động nên người ta dễ gây gổ hơn…

Bản thân anh Tuấn, bảo vệ bệnh viện Việt Đức nhớ lại: Vào mấy ngày đầu năm mới, lượng người vào cấp cứu chật cứng, không có chỗ cho người khỏe đứng vì tràn ngập cáng cứu thương. Bệnh nhân cấp cứu từ khắp nơi đổ về.

Trưởng điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh mong rằng, những ngày trực Tết sẽ là kỷ niệm vui chứ không phải là nỗi đau vì phải chứng kiến những cảnh tai nạn thương tâm khi người bệnh quằn quại trong đau đớn.

“Để không phải vào viện trong ngày Tết, tôi mong người dân cẩn trọng trong sinh hoạt và ăn uống. Bệnh viện chưa bao giờ đóng cửa nghỉ Tết, đèn mổ vẫn sáng 24/24 giờ. Có nhiều bệnh nhân vẫn nghĩ vì ngày Tết nên đến viện muộntạo ra các biến chứng”, anh Vinh nói.


Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn