Bác sĩ trẻ 'bỏ phố về quê' và nỗ lực đẩy lùi hủ tục sinh con tại nhà ở vùng cao

Tin tứcThứ Năm, 29/02/2024 11:18:29 +07:00
(VTC News) -

BSCK1 Tạ Tiên Sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chọn về công tác tại huyện nghèo vùng núi phía Bắc, điều khiến anh lo lắng là việc bà con vẫn lựa chọn sinh tại nhà.

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa trường Đại học Y Hà Nội, tôi được nhận vào công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tại đây, tôi vừa học vừa thực hành, sớm hoàn thành chương trình học bác sĩ chuyên ngành Sản - Phụ khoa.

Thời điểm có chứng chỉ hành nghề trong tay, nhiều bạn bè của tôi đều chọn ở lại thành phố lớn làm việc để có nhiều cơ hội và trang thiết bị tốt học nghề. 

Riêng bản thân tôi lựa chọn con đường theo dự án bác sĩ trẻ 585 của Bộ Y tế, tình nguyện đến công tác tại Bệnh viện đa khoa Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng - một huyện nghèo vùng núi phía Bắc.

Bác sĩ Tạ Tiên Sinh đang siêu âm cho người bệnh. (Ảnh: BSCC)

Bác sĩ Tạ Tiên Sinh đang siêu âm cho người bệnh. (Ảnh: BSCC)

Tại đơn vị, mọi thứ đều thiếu tốn, nhân lực y tế địa phương còn hạn chế. Trong tua trực của mình ngoài đảm nhận tốt chuyên môn thuộc lĩnh vực Sản – Phụ khoa, hàng đêm tôi cũng tham gia thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân chuyên khoa khác của bệnh viện. Tôi cũng thường xuyên hội chẩn với bệnh viện tuyến trên khi gặp những ca bệnh ngoài khả năng điều trị của bệnh viện.

Đó chưa phải là vấn đề nan giải nhất các bác sĩ nơi đây phải đối mặt. Với những bác sĩ vùng sâu, vùng xa, cuộc chiến đầu tiên mà chúng tôi phải vượt qua không phải là vận dụng kiến thức chuyên môn để chữa bệnh, cứu người, mà đó là tuyên truyền để người dân hiểu được việc cần thiết phải đến bệnh viện khi sức khoẻ gặp vấn đề.

Nơi đây một phần do điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, đời sống vật chất của các hộ gia đình còn nghèo khó, giao thông đi lại chưa thuận lợi nên nhiều gia đình vẫn lựa chọn cho sản phụ sinh tại nhà.

Thời điểm mới về viện, tôi vẫn nhớ như in trường hợp sản phụ thai 9 tháng theo dõi đẻ tại nhà hơn 1 ngày nhưng không kết quả. Người này được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ối vỡ, cổ tử cung mở 5cm, tay em bé bị sa vào âm đạo, không thể đỡ đẻ đường âm đạo.

Ngay lập tức tôi hội chẩn với lãnh đạo, thực hiện mổ cấp cứu cho sản phụ. Kết quả em bé chào đời, khóc tốt, sau khi được hỗ trợ của bác sĩ khoa Nhi, em bé được chuyển lên tuyến tỉnh để chăm sóc (do em bé bị bóp chặt trong tử cung mẹ quá lâu và có dấu hiệu suy thai).

Sản phụ sau phẫu thuật ổn định, ra viện sau 5 ngày, em bé được điều trị tại viện tỉnh ổn định và được ra viện sau mẹ 2 ngày.

Công tác tại bệnh viện vùng cao mới thấy, ngoài chuyên môn tốt, vững vàng, cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền và tư vấn tới người dân để họ có kiến thức cơ bản về sức khỏe, đến khám và điều trị tại bệnh viện kịp thời, tránh những biến cố đáng tiếc xảy ra.

BSCK1 TẠ TIÊN SINH(Bệnh viện Phụ sản Trung ương)
Bình luận
vtcnews.vn