Vừa được tạm ngơi tay sau thời gian dài chống dịch, hơn 50 nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.HCM lại lên đường về miền Tây hỗ trợ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang chống dịch COVID-19.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, trong thời gian qua, người dân TP.HCM đã đón các đoàn y bác sĩ trong cả nước đến hỗ trợ thành phố chống dịch, và đến nay dịch COVID-19 tại thành phố đã cơ bản được kiểm soát.
"Chúng ta từng đón nhận tình cảm của các tỉnh, thành trong cả nước và đây là lúc TP.HCM thể hiện tình thần tương thân tương ái, hỗ trợ cho các tỉnh khác phòng chống dịch bệnh", bác sĩ Trần Văn Khanh chia sẻ.
Đáp lại ân tình
Ngày 8/11, sau khi làm lễ ra quân và nhận nhiệm vụ, bác sĩ Lý Quốc Công cùng các đồng nghiệp mang hành lý lên xe xuống hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu. Hành trang mang theo đến tỉnh bạn có thuốc, oxy và nhiều trang thiết bị y tế khác.
Vốn đã có kinh nghiệm trong việc điều trị, thành lập BV điều trị COVID-19, bác sĩ Công cho biết, đoàn sẽ tham gia điều trị tại các bệnh viện dã chiến, triển khai hệ thống oxy lỏng tại các địa phương.
Theo bác sĩ Công, trước đó dịch COVID-19 tại TP.HCM căng thẳng và diễn biến phức tạp, khó lường, thành phố đã nhận được nhiều sự chi viện từ các địa phương trên cả nước. Hiện Bạc Liêu đã vượt mốc 5.000 ca, tỉnh đang thiếu thốn rất nhiều, các y bác sĩ sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, quan trọng nhất là thiết lập được hệ thống oxy lỏng mới có thể cứu được nhiều bệnh nhân COVID-19.
"Cách đây hơn 4 tháng, nhân dân TP.HCM đã đón các đoàn y bác sĩ cả nước đến hỗ trợ thành phố chống dịch, đến nay một số tỉnh miền Tây dịch dùng phát, đây là lúc TP.HCM xốc lại đội hình để hỗ trợ cho các tỉnh bạn, chúng tôi phải đáp lại ân tình đã nhận được trước đó từ các đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc", bác sĩ Công nói.
Bác sĩ Công cho biết, hầu hết các tỉnh miền Tây hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch, nhất là công tác điều trị F0 nặng và nguy kịch. Vì vậy cái quan trọng hiện nay không phải là đưa quân chi viện bao nhiêu mà phải làm sao cho hiệu quả.
“Chúng tôi đưa lực lượng tinh nhuệ, giúp tỉnh bạn xây dựng hệ thống, huấn luyện, đào tạo cho lực lượng y tế tại chỗ, làm sao để họ tiếp nhận quy trình chuẩn để giúp bệnh nhân có thể thở máy và thực hiện các kỹ thuật cao cho bệnh nhân nặng. Nếu chúng ta giúp họ được công tác huấn luyện, đào tạo thì họ có thể đảm đương được rất lớn”, bác sĩ Công chia sẻ.
Gửi 2 con nhỏ để lên đường chống dịch
Từ đầu dịch đến nay, điều dưỡng Hoàng Thị Tuấn Tình, Khoa Tâm lý Lâm sàng, BV Lê Văn Thịnh dường như không có chút nghỉ ngơi. Chị Tình liên tục tham gia lấy mẫu cộng đồng, tiêm vaccine COVID-19.
Chồng chị Tình làm chung bệnh viện và tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến đến nay chưa về. Chị Tình có 2 con, bé lớn 6 tuổi và bé nhỏ 3 tuổi, nhưng 2 vợ chồng chị phải gửi con cho em gái để lên đường xuống miền Tây hỗ trợ các tỉnh bạn chống dịch.
“Tôi nhớ con lắm, nhưng bây giờ mong góp chút sức nhỏ bé để dịch sớm qua. Trước đây, TP.HCM được các tỉnh giúp đỡ rất nhiều, bây giờ mình lại đi hỗ trợ lại, vậy thôi....”, chị Tình chia sẻ trước chuyến đi.
Chị Tình sẽ cùng đồng nghiệp chi viện cho tỉnh Cà mau, hỗ trợ quá trình tiêm vaccine COVID-19. Theo kế hoạch, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức tiêm trong 10 ngày, từ 8/11 đến 18/11 với khoảng 480.000 liều. Lực lượng y tế tham gia khoảng 1.455 người, bao gồm y tế địa phương và 10 đội tiêm của BV Lê Văn Thịnh.
"Đoàn sẽ hỗ trợ tiêm vaccine tại các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và Năm Căn với mục tiêu một ngày đạt công suất 1.000-1.200 liều tiêm/đội. Dự kiến trong 5 ngày, đoàn sẽ thực hiện từ 45.000-50.000 mũi tiêm, đẩy nhanh độ phủ vaccine COVID-19 của tỉnh Cà Mau", chị Tình nói.
Bình luận