Bệnh nhân bị đỉa chui vào khí quản là chị Triệu Thị Thắng, 53 tuổi (ở Tam Thanh,Tân Sơn, Phú Thọ), là người dân tộc Dao, bẩm sinh đã bị câm điếc.
Chị Thắng nhập viện trong tình trạng ho khò khè, khó thở. Khoảng 4 ngày trước, chị bắt đầu có những triệu chứng này và đã ra hiệu cho người nhà rằng có gì đó vướng trong cổ họng mình.
Trước khi được gắp thành công con đỉa ra khỏi khí quản tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, chị Thắng được gia đình đưa vào khám ở bệnh viện huyện Tân Sơn. Tại đây, bác sĩ có phát hiện dị vật nhưng không gắp được.
Theo bác sĩ Hà Thị Thủy - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, khi tiến hành nội soi bác sĩ đã phát hiện trong thanh khí quản bệnh nhân Thắng có một dị vật đang di chuyển, lúc lên, lúc xuống ở 2 dây thanh khí quản. Khi gặp ánh sáng di vật lại chui xuống khí quản.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định gây tê để thực hiện gắp bỏ. Tuy nhiên, khó khăn là khi tính chất thuốc tê đắng làm cho dị vật co nhỏ rơi xuống khí quản làm cho chị Thắng ho nhiều, khó thở không thể gắp được.
Các bác sĩ đã phải "mai phục" suốt cả giờ đồng hồ để “bắt” bắt được dị vật kia. Bằng phương pháp nội soi ống cứng, các bác sĩ lấy ra dị vật là một con đỉa trâu dài khoảng 10 cm, to bằng ngón tay người lớn sau hơn một tiếng đồng hồ chờ đợi và không gây ra ra tai biến gì cho bệnh nhân.
Chị Lý Thị Tâm, người nhà bệnh nhân cho biết: “Thắng bị câm điếc từ khi mới sinh ra, sống một mình, không có chồng con. Do thiếu hiểu biết nên thường xuyên rửa mặt, uống nước suối mỗi khi đi rừng”.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến đỉa chui, lọt vào ký sinh trong cơ thể gây nguy hiểm cho nhiều người dân vùng núi hoặc vùng sông nước.
Video: Rùng mình cảnh ký sinh trùng bơi trong mắt khiến một thanh niên bị mù
Đỉa, vắt có thể chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng, qua thời gian ngắn chúng sẽ hút máu, phát triển và lớn rất nhanh.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân không nên sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn trên rừng, sông suối, ao hồ để uống, sinh hoạt, tránh hiện tượng đỉa, vắt chui vào người ký sinh.
Bình luận