Hành trình thành người dẫn đường
Trở thành bác sĩ theo định hướng của cha mẹ nhưng khi nói về lý do gắn bó với nghề suốt hơn 20 năm qua, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trưởng Đơn vị Can thiệp mạch tạng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM Nguyễn Quang Thái Dương cho rằng điều đó xuất phát từ chữ “duyên”.
Ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Dược TP.HCM, năm 1998, ông quyết định du học chuyên ngành Siêu âm chẩn đoán vì hiểu được tầm quan trọng của lĩnh vực này trong sự phát triển của y học hiện đại.
Trong quá trình theo học, việc được những người thầy đáng kính nhận ra được khả năng và động viên cũng góp phần giúp ông đam mê chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh và theo đuổi chuyên sâu lĩnh vực này.
“Chẩn đoán hình ảnh đôi khi được ví như “mắt thần”, có thể nhìn xuyên thấu và biết chính xác điều gì đang xảy ra trong cơ thể của người bệnh. Chính vì vậy, càng học tôi càng thấy thú vị”, bác sĩ Dương chia sẻ.
Cái “duyên” của ông với ngành Chẩn đoán hình ảnh lại được nối dài khi vào năm 2000, ông tiếp tục theo học chứng chỉ hành nghề ARDMS tại Hoa Kỳ (chuyên ngành siêu âm tổng quát, siêu âm sản - phụ khoa, siêu âm tim, siêu âm mạch máu…) và hoàn tất chứng chỉ này vào năm 2002.
“Việc được huấn luyện thực tế và trải nghiệm lâm sàng cho phép tôi ứng dụng ngay những điều mình được học vào công việc hàng ngày. Nhìn thấy hiệu quả điều trị cho người bệnh, niềm đam mê chẩn đoán hình ảnh trong tôi ngày càng lớn dần”, ông kể.
Tháng 3/2003, BS Nguyễn Quang Thái Dương trở về nước và làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Với nền tảng sẵn có về hình ảnh học cùng mong muốn làm việc trực tiếp với người bệnh, ông chú tâm tìm hiểu và tiên phong ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị ít xâm lấn nhưng mang lại hiệu quả cao, giảm thiểu các biến chứng.
Được sự ủng hộ của nhiều thế hệ giám đốc bệnh viện, ông tham gia các khóa học tại Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… Việc học hỏi và làm việc cùng nhiều chuyên gia quốc tế giúp ông nhận ra đây là chuyên ngành đòi hỏi người thầy thuốc cần có kiến thức hình ảnh chuẩn, kỹ năng can thiệp tối thiểu tốt, thấu hiểu người bệnh và bệnh lý đi kèm.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Dương thực hiện thành công hơn 2.000 ca hủy u gan bằng sóng cao tần và hơn 6.000 ca can thiệp thuyên tắc mạch u gan (TACE/ TOCE).
“Việc điều trị bằng các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu hạn chế tối đa tai biến, biến chứng, giúp kéo dài sự sống cho người bệnh”, bác sĩ Dương chia sẻ.
Bác sĩ Dương quan niệm rằng, thành công không thể từ một cá nhân mà là của tập thể giàu kiến thức, đoàn kết và có giá trị văn hóa riêng của đơn vị, mục đích cuối cùng vẫn là làm sao mang lại hiệu quả điều trị, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.
Từ suy nghĩ ấy, ông cùng các cộng sự còn rất tâm huyết trong việc đưa vào hoạt động Đơn vị can thiệp mạch tạng và Phòng khám Hình ảnh học can thiệp tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Với những cống hiến không ngừng nghỉ của mình, năm 2019, ông vinh dự được Bộ Y tế tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích, đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển đơn vị.
Hạnh phúc khi được dẫn đường
Không chỉ được biết đến là một trong những bác sĩ luôn tâm huyết với việc nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật ít xâm lấn nhằm đem lại hiệu quả chuẩn đoán và điều trị. Bác sĩ Dương cũng là người thầy tận tâm, nhiệt huyết vì sự nghiệp đào tạo y khoa khi là Giảng viên Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh Đại học Y Dược TP.HCM.
Trở về Việt Nam và làm việc ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng là lúc bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương tham gia công tác đào tạo chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.
“Mỗi bài giảng là mỗi giờ tôi hoàn thiện bản thân qua việc đúc kết kinh nghiệm thực tế và học hỏi không ngừng. Việc truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sau cũng là động lực khiến tôi đam mê với nghề hơn”, bác sĩ Dương tâm sự.
Trong mắt các thế hệ học viên, BS Nguyễn Quang Thái Dương luôn nhiệt huyết, chuẩn mực và hướng đến sự chuyên nghiệp trong tác phong của người thầy thuốc.
Để giúp học viên lĩnh hội kiến thức tốt nhất, việc học thêm, thi thêm là điều rất thường gặp tại các lớp đào tạo của bác sĩ Dương.
Ngoài việc tiếp xúc với học viên trên lớp, các video bài giảng về siêu âm của ông do học viên ghi lại luôn có lượt truy cập lớn cùng nhiều bình luận tích cực. Đây là sự phản hồi chân thật, là nguồn động viên để ông tâm huyết hơn, hoàn thiện hơn công tác đào tạo y khoa của mình.
“Đối với mỗi thử thách hay điều không vui trong nghề, tôi coi đó là cơ hội để trưởng thành, chín chắn hơn. Tôi tâm niệm rằng, hạnh phúc là khi có đam mê dẫn đường, có sức khỏe để tiếp tục thực hiện công việc hàng ngày, cống hiến hết mình vì người bệnh”, bác sĩ Dương chia sẻ.
Bình luận