Thời gian gần đây, biến chứng do tiêm filler xảy ra thường xuyên hơn. Nhẹ thì sưng tấy, tắc mạch, mất thị lực vĩnh viễn, thậm chí là tử vong.
BS Dương Đức, Khoa Thẩm Mỹ Bệnh viện Quân y 7A (TP.HCM) cho biết, những biến chứng do tiêm filler là do tiêm filler không rõ nguồn gốc, không được các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thực hiện.
"Làm thẩm mỹ, tôi thường xuyên tiếp nhận những ca biến chứng sau tiêm filler. Mới đây, một bệnh nhân 25 tuổi bị biến chứng do tiêm filler không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tím toàn bộ phần cánh mũi, rãnh mũi môi, có mụn nước, mụn mủ, sưng nề đau tức nhiều. May mắn bệnh nhân chỉ tắc động mạch bên mũi và môi trên, do đến viện sớm nên các mụn đã xẹp đi, hồi phục da. Một tuần, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn”, BS Đức chia sẻ.
Theo BS Đức, chất tiêm làm đầy hiện được sử dụng chủ yếu là HA (Hyaluronic acid), để sửa chữa những khiếm khuyết trên khuôn mặt như trũng mắt, trũng lệ, hõm thái dương, cằm ngắn, cằm lẹm… Filler sẽ làm đầy hõm tự nhiên trên cơ thể để gương mặt đầy đặn, tròn trịa hơn, cải thiện làn da bị lão hóa.
Biến chứng ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể gặp sưng nề, chảy máu hoặc nhiễm trùng do điều kiện vô khuẩn không bảo đảm với các biểu hiện như sưng nề, tím, ,mụn mủ, chảy dịch, chảy mủ. Đây là những biến chứng gặp nhiều nhất nhưng dễ xử lý.
Biến chứng thường xảy ra khi tiêm filler là do sử dụng nguồn gốc filler trôi nổi.
"Một ml filler chính hãng rẻ nhất cũng 2 triệu đồng, còn trung bình có giá khoảng 2 -6 triệu/ml filler, thậm chí mắc hơn, chưa tính công tiêm. Trong khi đó, một số spa quảng cáo cả công tiêm có chỉ vài trăm nghìn đồng tới một triệu đồng/thủ thuật thì không thể bảo đảm sản phẩm có chất lượng", BS Đức nhận định.
Bên cạnh đó, người thực hiện thủ thuật nếu không được đào tạo bài bản, có chứng chỉ chuyên môn thì có thể tiêm xuyên thủng ngực vào phổi và có thể gây biến chứng tràn dịch, tràn khí màng phổi, gây xẹp phổi, tử vong do suy hô hấp.
Không khó để gặp những lời rao trên mạng xã hội tiêm chất làm đầy chỉ với vài trăm nghìn đồng/thủ thuật.
Theo BS Đức, một số trung tâm thẩm mỹ, spa không bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất để bảo đảm nguyên tắc vô trùng khi đưa chất ngoại lai vào cơ thể.
Bên cạnh đó, các sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường cũng rất nhiều loại không rõ nguồn gốc, đóng gói không đúng quy chuẩn cũng dễ gây nhiễm khuẩn.
BS Đức lưu ý, khi tiêm, bơm chất lỏng vào người cần phải được thực hiện bởi người có chuyên môn. Bởi nếu người không có chuyên môn khi tiêm sẽ không nắm rõ nguyên tắc vô trùng, kỹ thuật tiêm cũng như những chất được phép hay không được phép đưa vào cơ thể, sẽ rất nguy hiểm.
"Cần đến cơ sở uy tín, được các bác sỹ có chuyên môn tay nghề cao để thực hiện tiêm filler. Ngoài ra, các chuyên gia thẩm mỹ khuyến cáo, ngay cả với các chất được cấp phép sử dụng như filler cũng được khuyến cáo không nên tiêm vào ngực.
FDA khuyến cáo không tiêm filler vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn. Bởi điều này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong", BS Đức nhấn mạnh.
Bình luận