• Zalo

Bác sĩ mắc COVID-19: Với lương tri thầy thuốc, tôi phải ở lại cứu bệnh nhân

Bệnh và thuốcThứ Sáu, 03/09/2021 12:38:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tham gia Bệnh viện dã chiến số 6 điều trị F0, BS Trương Nhựt Cường không may bị phơi nhiễm và trở thành F0 nhưng vẫn ở lại cố gắng cứu chữa bệnh nhân.

Ngày 10/6, BS Nhựt Cường (BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM) nhận nhiệm vụ tham gia hỗ trợ điều trị tại khu cách ly khu B, Đại học Quốc gia TP.HCM (khu cách ly F1). Một tháng sau, anh tiếp tục nhận nhiệm vụ tham gia điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 6, cho đến tận bây giờ anh chưa về nhà.

Ban đầu anh cũng bị gia đình ngăn cản vì sợ phơi nhiễm, ảnh hướng tới sức khoẻ. Nhưng vượt qua tất cả, vị bác sĩ mới 25 tuổi quyết tâm ở lại bệnh viện dã chiến để cứu chữa các F0.

“Bản thân là bác sĩ không thể chỉ đứng nhìn bệnh nhân như vậy, không thể đứng nhìn cảnh bệnh nhân dần yếu đi trước mặt mình được. Vai trò, lương tri của một người thầy thuốc, tôi phải thực hiện nhiệm vụ, ở đây là tình nguyện tham gia chứ không ai ép buộc”, BS Cường tâm sự.

Bác sĩ mắc COVID-19: Với lương tri thầy thuốc, tôi phải ở lại cứu bệnh nhân - 1

BS Trương Nhựt Cường. 

BS Cường làm nhiệm vụ điều phối tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ các trung tâm y tế của quận, huyện vào Bệnh viện dã chiến số 6; chủ yếu là cân đối nguồn lực của bệnh viện, nhu cầu F0. Khi dịch bệnh phức tạp, số F0 ở địa phương chuyển tới ngày càng nhiều, nhiệm vụ của anh lại ngày càng nặng thêm, làm sao phải thật nhanh tiếp nhận bệnh nhân và chuyển họ tới khu điều trị sớm nhất. 

Thời gian làm việc tại đây, vị bác sĩ trẻ cũng gặp nhiều khó khăn do số lượng bệnh nhân đông, bệnh nhân vừa ra khỏi phòng là lập tức phải khử khuẩn để tiếp nhận bệnh nhân mới. 

Ở bệnh viện này nhiều F0 trở nặng khiến y bác sĩ rất vất vả, họ làm việc ngày đêm theo ca, quên luôn cả khái niệm thứ 7, Chủ nhật. 

“Trong suốt hai tuần nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến, tôi không liên lạc với gia đình được vì công việc ở đây rất bận, hầu như hoạt động liên tục vì là nơi tiếp nhận bệnh nhân.

Thời điểm đó số lượng F0 tăng mỗi ngày, có đêm nhận bệnh nhân suốt luôn đến 4h sáng. Đã nhận bệnh nhân rất nhiều rồi áp lực, mệt mỏi nữa nên cũng không có thời gian gọi về nhà. Sau đó mọi việc dần ổn định rồi tôi mới gọi về nhà. Rất may gia đình cũng động viên và ủng hộ”, BS Cường nói.

Trong một lần tiếp nhận bệnh nhân mới, do chỉ số SpO2 của F0 này giảm sâu, BS Cường phải tiếp nhận nhanh và di chuyển bệnh nhân đến phòng hồi sức cấp cứu gấp. Chính hôm đó anh bị phơi nhiễm và trở thành F0, phải điều trị 16 ngày. 

Khi đó bản thân là người dương tính, đứng trên phòng nhìn các anh em các đồng đội của mình vẫn tích cực chiến đấu vậy mà mình lại trong phòng điều trị, BS Cường tự nhủ mình nên làm điều gì đó. Không do dự, anh xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện, phụ trách khoa phòng anh đang điều trị làm bác sĩ của khoa đó luôn, tức là tham gia trực tiếp công tác điều trị cho bệnh nhân ở phòng mà anh đang điều trị.

“Là F0, tôi cũng trải qua triệu chứng như F0, lúc đó cảm giác mệt mỏi trong người nên muốn nghỉ ngơi nhưng tần suất hoạt động của anh em bác sĩ dày, ai cũng nhiệt huyết hết, ai cũng vất vả hết, tôi bệnh nhưng vẫn còn khả năng nên mình tiếp tục làm việc, vẫn tham gia điều trị F0.

Trong quá trình điều trị đó, ấn tượng nhất một F0 bị tai nạn sinh hoạt, họ bị rách da, vết thương rách chảy máu rất là lớn, và bắt buộc phải khâu vết thương liền. Sau khi xin ý kiến, chuyển bệnh nhân đến phòng giải phẫu dã chiến, tôi là người trực tiếp khâu vết thương cho bệnh nhân. Tôi cũng là người cắt mối chỉ cuối cùng cho bệnh nhân đó. Mừng cho bệnh nhân được xử lý vết thương sớm, nhưng tôi cũng tự thấy vui vì được đem chính chuyên môn đào tạo để phục vụ người bệnh. Hơi đặc biệt chút là F0 tự khâu vết thương cho F0 thôi", BS Cường nhớ lại. 

Chính trong thời gian 16 ngày điều trị bệnh cho bản thân, BS Cường rảnh hơn những lúc trước, do đó anh “kiêm” luôn nhiệm vụ bác sĩ tư vấn. Ban ngày làm việc cứu chữa F0, tối dành thời gian rảnh tư vấn cho những F0 đang cách ly điều trị tại nhà. Vất vả, nhưng với BS Cường coi đó lại là niềm vui, niềm hạnh phúc của một người làm nghề y.

MAI THÚY
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp