(VTC News) – Các bệnh viện đã nhận diện và có biện pháp mạnh với hoạt động môi giới khám chữa bệnh của chính những nhân viên, bác sĩ trong viện.
“Cò” xuất hiện do quá tải bệnh viện
Cuối tháng 5 vừa qua, hàng loạt báo có bài viết phản ánh tình trạng“cò” móc ngoặc với bác sĩ, nhân viên bên trong bệnh viện và hình thành “dịch vụ” bán số thứ tự, khám nhanh, khám sớm.
Trước vấn đề này, ngày 6/7, Bộ Y tế đã mời các bệnh viện đến trao đổi các biện pháp để giải quyết các vấn đề về “cò” bệnh viện. "Cò" xuất hiện nhan nhản ở cổng bệnh viện.
Theo nhận định của lãnh đạo các bệnh viện tuyến TW thì nguyên nhân xuất hiện “cò” do tâm lý bệnh nhân muốn lên khám tuyến trên cho an tâm dẫn đến bệnh viện bị quá tải.
Lãnh đạo viện K cho biết: “Bệnh viện hiện bị quá tải kéo dài, diện tích chỉ 5000 m2, nhiều lúc ngay trong bệnh viện còn bị tắc đường. Cơ sở ở Tân Triều rộng 5000 m2 còn cơ sở 3 đã được cho phép xây dựng nhưng do điều kiện khó khăn chung mà chưa thực hiện được.
Tại viện K, hàng ngày có 650 người đến khám, ngày đông nhất là 1,2 ngàn bệnh nhân. Trước cửa bệnh viện luôn có “cò mồi”. “Cò” đóng giả người nhà bệnh nhân để mời chào.
Ông Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ BV Bạch Mai cho biết: Ở bệnh viện Bạch Mai, con số bệnh nhân tìm đến đây để khám lên tới 4 ngàn người. Nếu tính số lượt người ra vào viện lên đến 10 ngàn người/ngày. Quanh viện có nhiều phòng khám tư nhân, hiệu thuốc. Vì vậy, việc “cò” nơi đây càng phức tạp. Thậm chí, cò mồi còn có cardvisit giới thiệu các dịch vụ khám chữa bệnh.
Bệnh viện Việt Đức, số bệnh nhân đến khám chung chung là 800 người, trong đó, khám cấp cứu là 300 người mỗi ngày. Vì vậy, lượng “cò” mồi cũng khá đông đảo.
Tại viện Nhi TW, số lượng bệnh nhân đến khám đạt mức kỉ lục mỗi ngày bệnh viện tiếp đón từ 3000 – 3500 bệnh nhân.
Tiến sĩ Vũ Bá Quyết – Phó giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng: “Ở BV tuyến trên nào hầu như BV nào cũng có “cò”. Thậm chí là những cán bộ đã về hưu, ngày nào họ cũng đến viện nhờ vì có người quen, người nhà.
Bệnh viện Phụ sản TW có số lượng bệnh nhân đến khám đã đông, thậm chí mỗi bệnh nhân đi khám chữa bệnh, đến sinh con đều có người đi kèm khiến bệnh viện ngày càng chật chội. Quá tải bệnh viện chính là nguyên nhân khiến “cò” phát triển tại đây”.
Có vẻ lạc quan hơn về việc xử lsy tình hình “cò” chen chân lấy phiếu khám sớm và bán cho người bệnh, Phó Giám đốc Bệnh viện mắt TW TS. Nguyễn Xuân Hiệp nói: “Bệnh nhân đổ đến khám thường vào giờ cao điểm buổi sáng. Tuy nhiên, cò mồi chen vào mua phiếu khám ở bệnh viện tôi hầu như không có vì tại đây có đội bảo vệ trực sẵn”.
Hạn chế "cò" bằng cách tăng phòng khám
Trước vấn nạn cò, các bệnh viện đã từng bước có biện pháp cụ thể.
Đại diện viện K cho biết: “Trước đó, bệnh viện K nhận định “cò” là những đối tượng bên ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2006, chúng tôi bắt đầu chú ý đến “cò nội” là nhân viên y tế có bắt tay với “cò” bên ngoài”.
Hình thức cò bên ngoài chỉ là hình thức thông thường là bề nổi, còn hôm nay đã biến tướng, là mặt chìm của tảng băng. Đây mới là vấn đề cần bàn, cần giải quyết.
Thậm chí, các đại biểu còn đề cập đến loại “cò vào” tức là dẫn dắt người bệnh đi khám trong viện và lấy tiền của người bệnh thuộc đối tượng ngoại tỉnh. Còn “cò ra” là giới thiệu, dẫn bệnh nhân đi khám chỗ khác. “Cò” này hướng vào những bệnh nhân có điều kiện.
Về các biện pháp chống “cò”, các bệnh viện đều tăng cường phòng khám để hạn chế quá tải. Trước đây, viện K có 6 phòng khám giờ đã tăng lên 10 ở cơ sở 1.
Bệnh viện đã đặt các hoạt động xét nghiệm và sinh hóa ngay tại phòng khám để thuận tiện cho bệnh nhân và người nhà đỡ phải đi lại. Viện K đã có biện pháp xử lý nghiêm khắc những cán bộ “dính” đến hoạt động môi giới khám chữa bệnh.
Năm 2012, viện K cho mở loa để cảnh báo bệnh nhân đến khám về nạn “cò”. Viện còn phối hợp với công an phường tăng cường bảo vệ các phòng khám để kiếm soát hoạt động của “cò”. Viện K sẽ sớm lắp camera ở phòng khám, màn hình quan sát lắp ở phòng lãnh đạo hoặc cán bộ chuyên trách về vấn đề này.
Còn Phó Giám đốc Bệnh viện mắt TW TS. Nguyễn Xuân Hiệp cho biết, viện mình đã tăng 150% số phòng khám, từ 10 lên 25 phòng. Ngoài ra, Viện còn mở phòng khám ngoài giờ từ 4h30 đến 6h chiều. Xét về góc độ nào đó, viện có thể kiểm soát được cò trong khuôn viên viện, còn cò bên ngoài thì rất khó.
Mạnh tay xử phạt bác sĩ tham gia làm "cò"
Có không ít bác sĩ tham gia làm "cò" khiến bệnh nhân mất niềm tin. Trước tình trạng này, bệnh viện Phụ sản TW đã có những biện pháp khá nghiêm khắc. Tiến sĩ Vũ Bá Quyết chia sẻ: Từ 1/6 nếu bác sĩ nào giới thiệu bệnh nhân đến khám ở cơ sở y tế khác sẽ bị nghỉ khám 6 tháng, nếu gửi mổ sẽ bị đình chỉ mổ 6 tháng. Ngoài ra, bệnh viện còn phối hợp với lực lượng công an để kiểm soát hoạt động của “cò”.
“Với “cò” nội nếu vì tiền mà mủi lòng thì chúng tôi sẽ triệt tiêu ngay” - ông Quyết nói.
Dù đã có biện pháp khá mạnh tay, nhưng bản thân ông Quyết cũng phải thừa nhận không thể kiểm soát hết được vì có trường hợp hôm trước cò đứng xếp hàng lấy số bị tạm giữ, hôm sau đã thấy “cò” này xuất hiện, nếu có hỏi, họ nói họ lấy số cho con cháu.
Còn bệnh viện nhi TW có một biện pháp khá khoa học đối với việc đánh số thứ tự khám bệnh. Bệnh viện sử dụng hệ thống phần mềm tích hợp. Khi bệnh nhân đến khám, người nhà sẽ phải cung cấp đầy đủ thông tin. Thông tin này được cập nhật vào máy tính ở bộ phận tiếp nhận và truyền vào mỗi phòng khám nên cò ngoài “bó tay”.
Nguyễn Tâm
Bình luận