Video: Tổng hội Y học Việt Nam lên tiếng trước lời kêu cứu của bác sỹ Hoàng Công Lương
Ngày 16/9, bác sĩ Hoàng Công Lương, bị can trong vụ án chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5/2017 cho biết, bản thân đã có đơn khiếu nại kết luận điều tra bổ sung lần 2 gửi đi các cơ quan chức năng.
Trong đơn, bác sĩ Lương tái khẳng định bản thân vô tội và không đồng ý với việc Cơ quan điều tra kết luận anh tội "Vô ý làm chết người".
Trong đơn khiếu nại, bác sĩ Lương cho rằng: "Nguyên nhân gây thiệt mạng cho người bệnh trong vụ án đã được cơ quan chuyên môn có kết luận do tồn dư hoá chất Axit Flohydric (HF) trong hệ thống nước RO sau bảo dưỡng, sửa chữa; hoàn toàn không có mối quan hệ nhân quả liên quan tới công tác khám và ra y lệnh lọc máu của bác sĩ điều trị".
Bác sỹ Lương cũng khẳng định, anh không phải kỹ sư hoặc kỹ thuật viên của phòng Vật tư - Thiết bị y tế bệnh viện, càng không phải người làm công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO theo hợp đồng 315 để gây ra tồn dư hóa chất (HF) dẫn đến chết người.
Đồng thời, bác sĩ Lương cũng cho rằng, quy trình bảo dưỡng, sửa chữa, bàn giao hệ thống RO sau sửa chữa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình hoàn toàn không có từ trước đến nay nên bác sĩ không thể có hành vi cẩu thả nào trong quy trình đó.
Hoạt động lọc máu thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, ngoài việc thăm khám người bệnh đủ sức khoẻ lọc máu và quan sát đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số an toàn, bác sĩ điều trị không có bất kỳ cách gì để nhận biết hệ thống RO sử dụng không an toàn, càng không thể nhận biết đồng hồ có khả năng sai số.
Trong đơn khiếu nại, bác sĩ Lương chỉ ra 6 điểm chứng minh bản thân vô tội, cụ thể: "Việc sử dụng nguồn nước RO có đảm bảo an toàn hay không là dựa vào đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số an toàn. Tôi không có khả năng biết trước cũng như không thể thấy trước khả năng hậu quả chết người vẫn có thể xảy ra ngay cả trong trường hợp đồng hồ đo độ dẫn điện đã báo chỉ số an toàn...
Tại thời điểm xảy ra sự cố, do Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hoà Bình cũng như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đều không ban hành bất kỳ văn bản nào quy định về quy trình vận hành, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO, bác sĩ điều trị phải báo cáo trưởng khoa và phải có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa mới cho phép bác sĩ ra y lệnh lọc máu nên không thể buộc trách nhiệm đối với Lương về lỗi cẩu thả làm chết người".
"Kết luận tôi có lỗi cẩu thả do không thấy trước được hậu quả chết người từ việc sử dụng nguồn nước RO không an toàn khi chưa có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa là không có căn cứ”, bác sỹ Lương nêu trong đơn.
Điểm khác so với đơn khiếu nại lần 1, trong đơn lần 2, bác sĩ Lương khẳng định "Không ký, không được giao thực hiện, không nhìn thấy hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2 nên không biết các bên giao kết hợp đồng".
Anh đặt câu hỏi tại sao bản thân lại bị truy tố cùng tội danh "Vô ý làm chết người" với bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh, trong khi anh không quen biết bị can Bùi Mạnh Quốc, không phải đồng phạm với Quốc.
Theo bác sĩ Lương, bản kết luận điều tra bổ sung lần 2, Cơ quan cảnh sát điều tra đã cắt xén nội dung: Bị can Bùi Mạnh Quốc bàn giao cho bị can Trần Văn Sơn - Phòng vật tư, thiết bị y tế (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) hệ thống RO sau sửa chữa chiều 28/5/2017.
"Bị can Sơn bàn giao qua điện thoại với điều dưỡng Đỗ Thị Điệp vào chiều cùng ngày là hệ thống RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường. Sáng 29/5/2017 bị can Sơn bàn giao giấy tờ cho điều dưỡng Điệp. Trước bàn giao của Phòng Vật tư, thiết bị y tế sáng 29/5/2017, Sơn cũng báo cáo với ông Trần Văn Thắng - Trưởng Phòng Vật tư, thiết bị y tế - về hệ thống RO2 đã sửa chữa xong, ông Thắng đã chỉ đạo Sơn hoàn thiện thủ tục giấy tờ để thanh lý hợp đồng...", bác sĩ Lương viết trong đơn khiếu nại và đề nghị cơ quan chức năng xem xét thấu đáo, toàn diện, khách quan vụ án để có phán quyết đúng đắn.
Bình luận