"Lời khuyên chân thành"
Chiều ngày 6/3/2018, mở đầu câu chuyện liên quan đến bác sĩ "đuổi" bệnh nhân về nhà chờ chết khiến dư luận bức xúc, ông Tạ Nam Ngạn - người bác sĩ bảo người nhà đưa bệnh nhân điều trị tại Khoa Lao, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang về nhà chờ chết vì ở lại "tốn kém tiền Nhà nước và làm khổ bác sĩ, y tá" kể về gia đình với một người anh làm bác sĩ đã về hưu, người em trai là GS.TS một trường đại học lớn ở Hà Nội, 2 người con là Thạc sĩ, vợ ông là giáo viên.
Còn ông Ngạn chấp nhận rời xa gia đình vào Kiên Giang công tác.
Ông Ngạn giải thích, kể như thế để mọi người biết rằng ông là người yêu nghề, được sinh sống trong một gia đình nề nếp chứ không phải "chợ búa" mà thích dùng lời lẽ cay độc để "rủa" bệnh nhân như trong đoạn băng ghi hình lan truyền trên mạng mấy ngày qua.
Kể nội dung sự việc xảy ra vào sáng 4/3/2018, ông Ngạn nói: "Bệnh nhân đó 69 tuổi, nhập viện trong tình trạng rất nặng. Bệnh nhân hôn mê, chẩn đoán suy hô hấp phải thở máy, viêm phổi nặng, sốt nhiễm trùng, tiểu đường, tăng huyết áp và thiếu máu.
Sau khi biết được tình trạng, tôi có nói với gia đình bệnh nhân trường hợp này không còn khả năng chữa trị, nên đưa về nhà.
Ở lại thì cũng không chữa trị được! Đưa về nhà thì cũng chết tại nhà và không tốn kém cho gia đình. Người nhà không hiểu, quay hình nói rằng tôi đuổi bệnh nhân. Nhưng sự thật tôi không đuổi. Đấy là lời khuyên, vì tấm chân tình của tôi với bệnh nhân và người nhà của họ".
Nói như vậy nhưng ông Ngạn cũng hiểu, khi người nhà đã đưa bệnh nhân vào viện điều trị tức là họ đặt cả hy vọng, mạng sống thân nhân vào tay bác sĩ. Nếu bác sĩ từ chối, chắc chắn người nhà bệnh nhân sẽ vô cùng buồn và thất vọng.
Nhưng đặt mình vào hoàn cảnh của người nhà bệnh nhân khi đó, ông Ngạn thành thật: "Nếu là tôi thì tôi cũng nghe theo lời bác sĩ mà đưa người thân về".
Về y thuật, ông Ngạn thừa nhận ngoài yếu tố "thầy giỏi, thuốc tốt" thì tinh thần bệnh nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh.
"Lời nói của tôi có thể sẽ khiến cho bất cứ bệnh nhân nào nghe được sẽ buồn, mất đi niềm tin. Nhưng cần căn cứ vào thực tế khi đó bệnh nhân đã hôn mê, tình trạng xấu. Lúc này nên tin theo phác đồ điều trị và lời khuyên của bác sĩ" - ông Ngạn nói.
Áp lực của công việc, bệnh tật
Ông Ngạn cho biết mấy ngày qua bản thân rất hối hận. Ông Ngạn suy ngẫm rất nhiều, người thân gọi điện chia sẻ ông cũng không nghe máy.
"Thấy ai nói đến sự việc là tôi lại khóc. Sau khi xuất viện, tôi có liên lạc với người thân bệnh nhân đó xin lỗi, mong họ thông cảm cho hành động của tôi.
Một phần vì tôi chân thành, một phần cũng vì tôi đang mệt mỏi do bệnh tật và áp lực từ công việc mà hành động như thế chứ không phải vì say xỉn như một số báo đăng tin" - ông Ngạn nghẹn ngào.
Ông Ngạn cho biết, mình đang bị sơ gan, thoát vị đốt sống cổ chèn ép tủy sống, tăng huyết áp... dẫn tới sức khỏe suy yếu rất nhiều. Hơn nữa, ông làm việc tại khoa đặc thù dễ truyền nhiễm bệnh nên mỗi lần tới cơ quan đều trong trạng thái căng thẳng.
"Vì là khoa có khả năng truyền nhiễm bệnh cao nên chẳng ai muốn ở lại đó lâu, ngay cả những bác sĩ trong bệnh viện cũng hạn chế xuống khoa. Còn người nào đi qua cũng tìm cách lảng tránh. Tại khoa Lao lúc nào cũng có trên 30 bệnh nhân nằm điều trị. Trong khi đó chỉ có 5 bác sĩ thay phiên nhau làm việc.
Video: Bà bầu tự đỡ đẻ cho thuận tự nhiên, bác sĩ nói gì?
Tôi bị bệnh cũng phải cố gắng đi làm, nếu không đi thì ai thăm khám, điều trị cho bệnh nhân? Hôm xảy ra sự việc là ca trực của tôi, mặc dù trong người rất mệt mỏi nhưng tôi vẫn cố gắng đi làm" - ông Ngạn tâm sự.
Ông Ngạn mong muốn: "Mọi người có cái nhìn khách quan về sự việc. Không phải tôi chối bỏ hành động sai trái của mình mà tôi trải lòng để mọi người hiểu rõ hơn về bản chất sự việc. Bản chất những lời nói của tôi cũng chỉ xuất phát từ tấm chân tình của người bác sĩ thương cho bệnh nhân và người nhà của họ".
Hiện tại, ông Ngạn đang bị đình chỉ công tác để các ban ngành xem xét sự việc, đưa ra hình thức kỷ luật về cách hành xử không đúng với người bệnh và thân nhân của họ.
Ông Ngạn cho biết: "Tôi đã hành động sai và sẵn sàng chấp nhận mọi hình thức kỷ luật mà ban lãnh đạo bệnh viện đưa ra. Nhưng nếu như cho tôi được làm lại trong trường hợp đó thì tôi vẫn bảo người nhà đưa bệnh nhân về vì có ở lại cũng không chữa được".
Bình luận