Hơn 30 năm gắn bó với ngành giáo dục, cô Nguyễn Hồng Nhật (giáo viên Ngữ văn tại Ninh Bình) cho rằng, bản chất dạy thêm không hề xấu.
'Dạy thêm vì học sinh, không phải vì tiền'
Giáo viên dạy thêm cũng tương tự như bác sĩ làm ngoài giờ ở phòng khám tư, nhân viên văn phòng nhận thêm việc buổi tối... "Dạy thêm theo nhu cầu học sinh là cách lao động chân chính giúp thầy cô thêm thu nhập", cô nói.
Nữ giáo viên phiền lòng vì cứ nhắc đến chuyện dạy thêm, dư luận lại chỉ trích về phía giáo viên, trong khi đó, nhu cầu được học thêm của học sinh là có thật.
Nội dung kiến thức học tập quá nặng, số học sinh quá đông, với thời lượng 45 phút/tiết các em khó có thể tiếp thu hết mọi kiến thức. Theo cô, dư luận chỉ nên chỉ trích trường hợp giáo viên o ép, yêu cầu học thêm để trục lợi, dạy vì tiền.
Thực tế nhiều gia đình muốn con đi học thêm để bổ sung kiến thức, hay phụ huynh thấy con sa sút chuyện học hành đã đề xuất giáo viên mở lớp dạy. Nhiều cha mẹ bận rộn với công việc mưu sinh, không có thời gian kèm con học ở nhà nên ngoài giờ lên lớp cũng muốn con học thêm. Thế nên, việc cấm dạy thêm học thêm là việc làm khá khiên cưỡng trong xã hội còn coi trọng thành tích, nặng nề thi cử.
Có những ngày cuối tuần điện thoại cô Nhật đổ chuông liên tục, phụ huynh gọi nhờ cô mở lớp ôn thi cho con cuối cấp. Một số gia đình có điều kiện còn ngỏ ý dạy 1 - 1 với mức giá 500.000 đồng/ buổi 1,5 - 2 tiếng. "Thực tế, học thêm vẫn là nhu cầu thiết thực của phụ huynh, học sinh. Đừng biến tướng dạy thêm như cách chỉ để kiếm tiền, o ép học sinh là được", cô nói.
Phụ huynh, học sinh không có nhu cầu thì dạy thêm cho ai?
Cô Thân Thu Hằng (giáo viên Lịch sử) cũng thừa nhận có trường hợp giáo viên gợi ý học sinh đi học thêm. Tuy nhiên, đó không phải số đông. Dường như nhiều năm nay, chuyện học thêm đang dần trở thành phong trào khiến dư luận mặc định nếu không tham gia học ở nhà cô thì con sẽ bị "đì" điểm số.
Chính suy nghĩ đó dồn nhiều em học sinh vào guồng quay học kín tuần, phụ huynh lại phải cuống cuồng đăng ký cho con đủ lớp học thêm, từ các môn được xem là môn chính, cho đến các bộ môn nghệ thuật.
"Thử hỏi nếu phụ huynh, học sinh không có nhu cầu thì giáo viên dạy thêm cho ai? Đừng chỉ đổ lỗi cho giáo viên ép học sinh đi học thêm mà hãy nhìn nhận ở phía các bậc phụ huynh nữa", cô Hằng nhắn nhủ.
Để không xảy ra biến tướng dạy thêm học thêm thì cần làm nghiêm quy định tách thầy cô khỏi việc dạy thêm đối với học sinh chính khóa của mình. Hoạt động dạy thêm trở nên xấu xí chỉ khi bị giá trị vật chất chi phối và lạm dụng quá đà. Đồng thời, phụ huynh cần cởi bỏ gánh nặng thành tích, so sánh con cái với "con nhà người ta".
Có nên cấm dạy thêm học thêm?
Cô Bùi Thị Bảo Ngọc (giáo viên cấp 3 tại Hà Nội) cho rằng, nếu học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của học sinh thì khó cấm. "Bản chất của việc dạy thêm cho học sinh không xấu. Học sinh cần được bổ trợ, học thêm để nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu tham gia các kỳ thi quan trọng", cô Bảo Ngọc nói.
Việc học thêm cần thiết nếu học sinh tự nguyện, yêu thích chứ không phải do bị ép buộc, gây áp lực. Thế nên, các văn bản chỉ cấm được giáo viên trường công lập không dạy thêm nhưng không thể cấm được học sinh không đi học thêm.
Liên quan đến câu chuyện trên, cô Ngô Thị Mai Hương, Hiệu trưởng trường THPT Việt Nam - Ba Lan cho rằng, phụ huynh là người quyết định cho con đi học thêm hay không. Cô dẫn ví dụ, có trường hợp học sinh vừa vào tiểu học, bố mẹ đã sắp xếp lịch học thêm kín mít cả tuần.
Một số phụ huynh lo lắng, nếu không cho con học thêm cô giáo sẽ trù dập. Cô Mai Hương chia sẻ, học thêm là hoàn toàn tự nguyện, giáo viên không ép buộc và không có chuyện phân biệt đối xử hay trù dập học sinh khi không đi học.
Bình luận