Ngoáy tay thường xuyên: Sướng 1, hại 10
Ráy tai không phải là chất bẩn có hại đối với sức khỏe như nhiều người vẫn nghĩ. Thực chất đó là một chất bài tiết sạch của cơ thể. Trong một số trường hợp, ráy tai còn có tác dụng bảo vệ tai khỏi sự xâm nhập của các loại côn trùng nhỏ khi chúng bay vào tai, bảo vệ phần bên trong tai không bị viêm nhiễm và còn như lớp đệm để giảm tiếng ồn quá lớn, ngăn không cho bụi bẩn, vi khuẩn từ môi trường ngoài đi sâu vào trong tai. Nhờ đặc tính kháng khuẩn và trơn trượt nên giúp nước rơi vào trong được đẩy ra một cách dễ dàng.
Sau một thời gian tích lũy, ráy tai sẽ tự rơi ra cùng với vi khuẩn và tế bào chết khi chúng ta ăn hoặc nói. Cho nên việc thường xuyên ngoáy tai, lấy ráy tai bằng tăm bông hóa ra lại chẳng tốt cho sức khỏe tí nào.
Thứ nhất, ngoáy tai có thể làm tổn thương ống tai. Da trong ống tai rất mềm và non, nếu không cẩn thận, ống tai sẽ bị nhiễm vi khuẩn, viêm có mủ. Thậm chí là màng nhĩ cũng có nguy cơ bị rách, gây nhiều đau đớn và gây điếc.
Thứ hai, ảnh hưởng đến thính giác và gây đau rát. Điều này có thể dễ dàng giải quyết bằng việc đến gặp bác sĩ tai mũi họng để giúp lấy ráy tai và làm sạch tai đúng cách.
Thứ ba, ngoáy tai thường xuyên gây nguy cơ mắc các bệnh như viêm ống, mọc nấm trong cơ quan thính giác nhiều hơn. Khi lấy ráy tai bằng những dụng cụ không được sát trùng sạch sẽ làm tăng nguy cơ nấm tai và nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm. Chưa kể đến việc lấy ráy tai bằng vật sắc nhọn cũng khiến thành ống tai gây viêm nếu bị đâm vào.
Thứ tư, dùng tăm bông làm sạch tai dễ làm tai nhiễm vi trùng mới và đẩy một số ráy tai vào sâu bên trong hơn. Khi ráy tai đang trên đường thoát ra nhưng lại bị chúng ta dùng tăm bông ngoáy sẽ vô tình đẩy bụi bẩn và vi khuẩn cùng với ráy mặc kẹt lại bên trong.
“Cách tốt nhất để giữ cho tai của bạn sạch sẽ là… không làm gì cả”
Theo Tiến sĩ Simon Baer, bác sĩ phẫu thuật tai-mũi-họng tại Bệnh viện Spire Sussex (Anh), cách tốt nhất để giữ cho tai của bạn sạch sẽ là… không làm gì cả. Trong trường hợp ráy tai gây khó chịu thì cần đến bác sĩ chuyên khoa để có dụng cụ và dung dịch chuyên biệt lấy ráy tai.
Khi tắm hay đi bơi bị nước vào tai, chúng ta không nên xử lý bằng bông ngoáy tai, mà chỉ cần nghiêng đầu, lấy tay ấn nhẹ vào phần sụn nhô phía trước là nước sẽ tự chảy ra.
Nếu không muốn dùng hóa chất mà vẫn đưa được ráy tai ra ngoài bằng biện pháp an toàn hơn, hãy nhai một viên kẹo cao su, chuyển động liên tục của hàm có thể giúp đưa ráy tai ra bên ngoài thuận lợi hơn.
Bình luận