TS.BS Trần Chí Cường - giám đốc bệnh viện cho biết, hầu hết các cơn đột quỵ xảy ra khi một động mạch trong não đột ngột bị tắc nghẽn hoặc vỡ ra, hay nói chung là bệnh của hệ động mạch. Một nguyên nhân hiếm gặp hơn đó là huyết khối tĩnh mạch não cũng gây ra đột quỵ, và thời gian gần đây có sự gia tăng đáng báo động.
Trong 5 bệnh nhân trên có một người bác sĩ không cứu được vì người bệnh đến muộn. Còn 4 bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu sớm, được đưa đến bệnh viện kịp thời. Đáng chú ý là bệnh nhân 4 tuổi, quê Đồng Tháp. Theo mẹ bé, trước khi nhập viện khoảng 1 tuần, bé L. bị sốt, ói, tiêu chảy nên đưa đến một bệnh viện nhi điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bé ngày một diễn tiến nặng thêm nên được chuyển qua Bệnh viện Đột quỵ và tim mạch Cần Thơ.
Tại khoa Cấp cứu, L. luôn trong tình trạng mê man, các bác sĩ chẩn đoán bé bị huyết khối tĩnh mạch não rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao vì cơ thể bé còn nhỏ, khả năng điều trị thuốc chống đông và khi can thiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mẹ của bé cho biết, khi sinh ra bé khoẻ mạnh không có dấu hiệu bất thường gì. Bé mắc COVID-19 cách đây 6 tháng.
Trường hợp của bà N.T.A (66 tuổi, quê tại Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc, đau đầu nôn ói nhiều. Sau khi thực hiện các chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ chẩn đoán bà A bị huyết khối tĩnh mạch lớn nội sọ (xoang tĩnh mạch dọc trên). Bác sĩ đánh giá trường hợp này khá nặng, cần can thiệp hút huyết khối và mở sọ giải áp tìm cơ hội cứu vãn.
Người nhà cho biết, bà A không có bệnh nền, sức khỏe cũng bình thường, nhưng 10 ngày sau khi tiêm vaccine mũi 4, bà A thường xuyên than đau đầu, gia đình chủ quan nghĩ bà đau đầu do tuổi già. Đến khi bà nhức đầu nhiều, nôn ói, méo miệng gia đình đưa đến bệnh viện gần nhà, bệnh tình ngày càng nặng hơn, nên nhà xin chuyển viện.
Sau hơn 20 ngày, can thiệp lấy huyết khối và mở sọ, bà A thực hiện được y lệnh nhưng còn liệt nửa người bên phải đang tiếp tục điều trị.
Theo BS Nguyễn Đào Nhật Huy - Đơn vị can thiệp DSA Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, huyết khối tĩnh mạch nội sọ trước đây khá hiếm gặp, bệnh gặp nhiều ở nữ giới do liên quan đến thời kỳ mang thai, hậu sản, sử dụng thuốc ngừa thai, viêm nhiễm hệ thần kinh, hay nhiễm trùng nặng vùng đầu mặt cổ…
Phương pháp điều trị, thông thường nhất là dùng thuốc kháng đông, thở máy, chống động kinh ở những trường hợp nặng, như bệnh nhân xuất huyết nhiều, tắc tĩnh mạch lớn nguy cơ tử vong cao, nếu không có phương pháp can thiệp lấy huyết khối và phẫu thuật thì đa số bệnh nhân sẽ tử vong.
Theo các bác sĩ, việc phát hiện các dấu hiệu của bệnh là vô cùng quan trọng, giúp mọi người hạn chế được nguy cơ tử vong cũng như di chứng nặng nề khi bị đột quỵ. Bác sĩ cũng nhấn mạnh vai trò của việc tầm soát đột quỵ, giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ của đột quỵ (tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao…) và phát hiện các bất thường của mạch máu để kịp thời can thiệp xử trí và phòng ngừa đột quỵ.
Thời tiết mùa hè, nắng nóng cũng là yếu tố bất lợi cho sức khỏe mọi người, nhất là nhóm trung niên, cao tuổi, vốn có trong mình nhiều yếu tố nguy cơ của đột quỵ, hay nhiều bệnh mạn tính khác.
Bình luận