Sự việc này xảy ra ở Bệnh viện Nhi Thanh Hoá và được thực hiện bởi bác sỹ Lê Việt Hưng, đang làm việc ở đây cùng một ê kíp bác sỹ, y tá khác.
Điều đáng nói ở đây là ngoài việc ngang nhiên đưa người vào bệnh viện để phẫu thuật thẩm mỹ, tệ hại hơn, vị bác sỹ này còn tự “quảng cáo” cho mình bằng việc đưa ảnh của ca phẫu thuật lên trang cá nhân.
Những hành động này thật sự gây nghi ngờ về trình độ chuyên môn cũng như y đức của họ. Cùng đó, ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hoá xác nhận việc bác sỹ Lê Việt Hưng đưa người vào phẫu thuật thẩm mỹ cũng làm nhiều người bất ngờ.
PV báo điện tử VTC News đã trao đổi với luật sư Trương Anh Tú (Trưởng VP Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề và chính ông cũng đã có nhiều bài viết về tình trạng phẫu thuật thẩm mỹ “chui” này.
Giải thích về vấn đề tại sao lại xuất hiện nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “çhui” như hiện nay, luật sư Tú cho biết, đó là do nhu cầu của các chị em phụ nữ càng ngày càng cao, mặc dù, chi phí cho việc “dao kéo” này cũng khá đắt đỏ, vậy nên mới xuất hiện nhiều cơ sở và bác sĩ không đủ điều kiện hành nghề nhưng vẫn làm.
Cụ thể, trong việc xảy ra ở Bệnh viện Nhi Thanh Hoá, luật sư Tú cũng đưa ra ý kiến nên xem xét lại chức năng chuyên môn ở bệnh viện này và của cá nhan bác sỹ Lê Việt Hưng cùng những người đã trực tiếp tham gia.
"Nếu bệnh viện và đội ngũ y bác sỹ có đủ điều kiện và được chứng nhận đàng hoàng thì không có gì phải bàn cãi. Nhưng trong trường hợp không đủ thì cần phải có biện pháp mạnh mẽ chấm dứt ngay việc làm này.
Bởi lẽ, người duy nhất bị ảnh hưởng chính là bệnh nhân, người trả một khoản không nhỏ với hy vọng có thể đẹp hơn nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ là hối hận cả đời", luật sư Tú nói.
Còn về việc bác sỹ Lê Việt Hưng công khai đăng ảnh ca phẫu thuật lên trang cá nhân để quảng cáo, lại còn viết những dòng status "được có 3 bát, tha hồ về rán", luật sư Tú cho rằng, đây là một hành động vi phạm đời tư của bệnh nhân và vi phạm y đức nghiêm trọng.
Giải thích về việc này, luật sư Tú cho biết, việc chụp ảnh trong ngành y có mục đích phục vụ các nghiên cứu khoa học. Ví dụ, có thể ghi hình, chụp ảnh trong một ca phẫu thuật nhưng thứ nhất, phải được sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân và thứ hai, phải xác định rõ mục đích của việc chụp ảnh, ghi hình là nhằm phục vụ công tác nghiên cứu về sau.
Tuy nhiên, trong trường hợp bác sỹ Lê Việt Hưng, việc này lại hoàn toàn khác. Vị này đã vi phạm đời tư của bệnh nhân và đi ngược lại với tôn chỉ, mục đích của ngành y.
Việc xâm phạm đời tư người khác có thể bị khởi tố theo sự Bộ luật Dân sự (Ðiều 38), Luật Giao dịch điện tử (khoản 2 Điều 46) quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ; việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; thư từ, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn, bí mật và việc kiểm soát các loại này được thực hiện khi pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Video: Cận cảnh hậu quả phẫu thuật thẩm mỹ "chui", ai xem cũng sợ
Còn theo Bộ luật Hình sự (Điều 125) có quy định: Người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì tùy trường hợp sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm, phạt tù đến hai năm.
Trong vụ việc này, ngoài bác sỹ Lê Việt Hưng và những người trực tiếp tham gia (đều đang làm việc tại Bệnh viện Nhi Thanh Hoá) thì ông Dương Văn Hùng, với vai trò là Biám đốc bệnh viện, tuy biết rõ mười mươi nhưng không ngăn chặn hoặc cách giải quyết chưa thoả đáng và phù hợp cũng có thể bị quy vào tội liên đới trách nhiệm.
Theo luật sư Tú, mặc dù Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm xoá sổ hoàn toàn những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui” cũng như những y bác sĩ kém về chuyên môn và y đức, nhưng cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, luật pháp nhằm tuyên truyền, tư vấn cho người dân các cơ sở có uy tín, được chứng nhận, không để người dân rơi vào tình trạng hỗn loạn thông tin rồi để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp mang tính chất phòng ngừa, vấn đề chính là ở sự nhận thức của người dân. Làm đẹp là quyền của mỗi người, không ai cấm ai được nhưng phải biết rõ, việc “dao kéo” này có phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân hay không?
Bởi rất nhiều trường hợp các chị em phụ nữ muốn "cắt cái này, nâng cái kia" nhưng không đủ tiền và bắt buộc phải tìm đến các cơ sở "chui" với giá rẻ để rồi “lợn lành thành lợn què”, ôm hận cả đời và có khi mất mạng.
Việc phẫu thuật thẩm mỹ “chui” ở Bệnh viện Nhi Thanh Hoá vẫn còn chưa ngã ngũ, cần phải tiếp tục tìm hiểu, làm rõ nhưng đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp khác được kịp thời phát hiện.
Song, qua việc này, chúng ta cũng phải cẩn thận cân nhắc trước khi quyết định đi làm đẹp để sau này không còn xảy ra những sự việc đáng tiếc như Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) từng làm chết người.
Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận