Bác đề xuất tăng lương cho giáo viên là điều đáng tiếc
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3 không có đề xuất tăng lương giáo viên mà trước đó đã đưa ra.
Nhiều chuyên gia kinh tế, giáo dục cũng như dư luận đã bày tỏ sự đáng tiếc về điều này vì cho rằng việc tăng lương cho giáo viên là thực sự cần thiết, sát với tình hình thực tế.
Trao đổi VTC News về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nguyên ĐBQH Khóa 13 cho rằng việc bác đề xuất tăng lương cho giáo viên là điều đang tiếc, cần “phải tôn trọng công sức lao động của giáo viên”.
Ông Lê Như Tiến dẫn chứng: “Báo chí thông tin một số tỉnh nhận rất nhiều giáo viên vào dạy, nhưng rồi lại giảm biên, đẩy nhiều người tới nguy cơ thất nghiệp. Đây là điều rất đáng buồn và gây bức xúc không chỉ trong giáo dục mà cả trong dư luận.
Tôi cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ khâu đầu vào sư phạm thế nào, cơ chế tuyển chọn ra sao, rồi cơ chế đảm bảo chế độ lương bổng cho giáo viên thế nào?”.
Theo ông Tiến, việc đại diện một số bộ lên tiếng bác đề xuất tăng lương cho giáo viên như vừa qua là điều đáng tiếc.
Ông Tiến phân tích: “Giải thích của Bộ Nội vụ cũng như của Bộ Tài chính về việc bác đề xuất tăng lương cho giáo viên tôi cho là chưa hợp lý.
Ví dụ như Bộ Nội vụ giải thích rằng giáo viên được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề là sự ưu đãi đặc biệt của nhà nước là cũng chưa ổn. Vì có phải tất cả giáo viên nào cũng được hưởng ưu đãi đó đâu.
Tôi lấy ví dụ như những giáo viên trẻ, mới ra trường đang dạy hợp đồng, lương “ba cọc ba đồng” sẽ sống thế nào?
Chúng ta hay nhắc đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”, tức là coi trọng giáo dục, trong đó có cả giáo viên. Nhưng sự tôn trọng cần phải cụ thể hóa chứ đâu không chỉ là nói miệng. Tôi cho rằng, phải tôn trọng công sức lao động của giáo viên, mà tôn trọng công sức giáo viên là phải cụ thể hóa bằng những chính sách, cơ chế ưu tiên”.
Ngoài ra, ông Tiến cho rằng nghề giáo là một nghề nghiệp gắn với trình độ đào tạo nên cần có thang bảng lương riêng đặc thù.
Đồng thời, để tránh tình trạng thừa giáo viên như hiện nay, Bộ GD&ĐT cần phải tính đến những giải pháp cải cách khâu tuyển chọn đầu vào của ngành sư phạm hiện nay, cụ thể ngành sư phạm cần nâng cao điểm tuyển đầu vào để sao cho đầu ra phải là những giáo viên có chất lượng, tương ứng với một mức lương phù hợp với chất lượng đó.
Vẫn còn cơ hội tăng lương
Trao đổi với VTC News về vấn đề này, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, vấn đề trên mới là thảo luận, chưa phải là quyết định cuối cùng.
Ông Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm: “Cá nhân tôi ủng hộ việc tăng lương cho giáo viên, vì giáo viên hiện nay có mức lương rất thấp, nhiều giáo viên tiền lương còn không đủ sống. Thực trạng đó cho thấy việc tăng lương là cần thiết”.
Theo ông Chiến, việc bác đề xuất tăng lương của đại diện Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ cũng mới chỉ là những ý kiến mang tính thảo luận trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó chưa phải là quyết định cuối cùng.
“Đó mới chỉ là thảo luận giữa các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhau thôi, tức là đóng góp ý kiến cho dự thảo dự án Luật Giáo dục do Bộ trưởng GD&ĐT trình, còn quyết định là ở Quốc hội. Bộ GD&ĐT vẫn có thể đưa đề xuất tăng lương vào dự án luật khi trình ra Quốc hội”, ông Chiến nói.
Cũng theo ông Chiến, cần sửa đổi quy định, xếp lương giáo viên vào nhóm "cao nhất" trong khối hành chính sự nghiệp để từ đó làm cơ sở cho việc đưa đề xuất trên vào dự thảo luật.
Video: Lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất bậc lương hành chính sự nghiệp
Bình luận