TP.HCM trong buổi sớm mai của một ngày cuối tháng Tám, phố phường rực cờ hoa. Không khí của ngày Tết Độc lập ôm trọn thành phố. Khi dòng xe cộ còn chưa kịp đông đúc, chúng tôi có mặt tại văn phòng của Quỹ học bổng Vừ A Dính (quận Phú Nhuận) theo lịch hẹn với bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước.
Ở tuổi 77, khi tóc đã bạc quá nửa đầu, bà vẫn nhiệt huyết với vị trí Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu.
Thật khó nén xúc động khi trước mắt chúng tôi, người đang trò chuyện là nhân chứng trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, người từng chịu 11 năm đòn roi man rợ nơi ngục tù...
Chân dung bà Trương Mỹ Hoa sau ngày giải phóng và hiện tại. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tự chà mòn vân tay, đập 10 ngón tay bị đóng đinh xuống bàn
Ấn tượng đầu tiên về bà Trương Mỹ Hoa là người có khuôn mặt phúc hậu, đượm chút trăn trở ẩn sau vẻ nghiêm nghị, uyên bác của phụ nữ từng giữ nhiều vị trí công tác.
Trong căn phòng được bài trí đơn giản, chỉ đủ đặt 3 chiếc ghế để tiếp khách, bà Trương Mỹ Hoa kể về những ký ức.
Tháng 11/1960, khi vừa tròn 15 tuổi, cô gái mang tên Mỹ Hoa bắt đầu tham gia phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Tháng 5/1961, bà tham gia đoàn Thanh Niên. Đến tháng 5/1962, bà chính thức gia nhập Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam ở tuổi 17.
Một ngày giữa tháng 4/1964, trên đường mang tài liệu đi tổng động viên học sinh, sinh viên toàn lực chống lại âm mưu bắt thanh niên từ 18 - 35 tuổi đi lính của chính quyền Nguyễn Khánh, bà Hoa bị quân địch bắt, đưa về Nha Cảnh sát đô thành. Tại đây, những ngày kinh khủng bắt đầu.
Nắm chặt các đầu ngón tay, bà Trương Mỹ Hoa lặng đi, để dòng ký ức trôi về những ngày tháng kinh hoàng ở Nha Cảnh sát đô thành. Những món đòn man rợ nhất được chúng trút lên thân thể bà suốt 3 tháng. Bất giác, bà rùng mình.
Hồi đó, để lấy được lời khai của bà Mỹ Hoa, kẻ thù không ngại dùng bất cứ thứ đòn roi nào để tra tấn. Đánh đập thân thể bầm dập; bỏ đói, khát nhiều ngày; chiêu dụ... Khi tất cả đều không lung lạc được ý chí của bà, chúng "đổi trò", đóng đinh 10 đầu ngón tay để tiếp tục hành hạ.
"Chúng đóng đinh 10 đầu ngón tay, lấy cây sắt lay qua lại. Thấy vậy, tôi nắm 10 đầu ngón tay đang đóng đinh lại, đập mạnh xuống dưới bàn. Tôi muốn chúng biết, đau đến thế này tôi còn không sợ, huống gì việc đóng đinh. Lúc đó, chúng mới bảo nhau, nhỏ này lì quá nên thôi không đóng nữa", bà Trương Mỹ Hoa kể lại.
Hơn 4 tháng điều tra nhưng không thu được gì, chúng đưa bà ra tòa xét xử với tội danh "phá rối cuộc trị an". Sau khi kết án 18 tháng tù, bà bị đưa vào trại giam Thủ Đức. Trong suốt thời gian ở các trại giam Nha Cảnh sát đô thành, Đề lao Gia Định, trại giam Thủ Đức, nhà tù Chí Hòa và chuồng cọp Côn Đảo, bà Hoa bị chúng coi vào loại lì lợm, cứng đầu, bất trị. Đó cũng là lý do mặc dù chỉ bị kết án có 18 tháng tù, bà bị giam cầm đến 11 năm.
Trong cuộc trò chuyện, bà Trương Mỹ Hoa nhiều lần nhắc đến tình đồng đội, sức mạnh của tập thể. Bởi theo bà, sự trưởng thành của bản thân không phải chỉ tự mình mà là sự bồi dưỡng, giáo dục của tập thể. Ở lao tù, mọi người đến từ nhiều vùng miền khác nhau, tiếng địa phương còn nghe chưa hiểu hết, nhưng tất cả đều chung mục đích chống kẻ thù. Mỗi người có cá tính khác nhau, nhưng đều chung một ý chí đi theo cách mạng.
Ngoài giam cầm, tra tấn trong tù, đó còn là cuộc sống về tình người, đồng chí. Những người tù chính trị sẵn sàng gạt bỏ cái riêng của mình để thực hiện mục tiêu chung. Họ nhường nhau từng viên thuốc, miếng cơm, manh áo, chỗ ngủ, từng chút khí trời, từng khe để thở..., nhưng lại luôn giành nhau sự gian khó, khổ cực, thiệt thòi.
Hồi ở Côn Đảo, bà Mỹ Hoa cùng tập thể quyết định thực hiện chủ trương "Chống lăn tay, chụp hình". Hồi đó, khi Hiệp định Paris được ký kết, điều 14C ghi nhận trao trả 5.081 tù nhân chính trị. Trong thực tế, riêng miền Nam đã gần 200.000 tù chính trị.
Để phi tang trò hề bịp bợm này trước công luận trong nước và quốc tế, chúng bày trò lăn tay chụp hình, dựng hồ sơ, tráo tù nhân chính trị trở thành tù “gian nhân hiệp đảng”, tức là tù trộm cướp, giết người. Để thực hiện điều đó, chúng bắt mọi người lăn tay, chụp hình để làm hồ sơ khống. Hồ sơ phải có hình ảnh, hoặc điền chỉ tay.
Dù biết chủ trương của kẻ thù, song không biết chúng sẽ thực hiện lúc nào, vì vậy những người tù chính trị thống nhất nghị quyết sẵn sàng "Chống lăn tay, chụp hình".
Muốn chống không chỉ nói suông mà phải có biện pháp cụ thể. Bà Mỹ Hoa cùng tập thể thống nhất chủ trương, bắt đầu lên kế hoạch, khi chúng kêu đi chụp hình nhất quyết không đi, dù đánh đập cỡ nào. Nếu chúng lôi được ra ngoài thì phải nhắm mắt, há miệng, để không chụp được hình hoàn chỉnh. Còn việc lăn tay điềm chỉ thì khó hơn, vì khi chúng đánh đập, mình ngất đi, chúng có thể lấy tay lăn vô hồ sơ mà không biết.
"Để đối phó âm mưu của địch, mỗi ngày, chúng tôi nhúng tay vào nước, mài xuống nền xi-măng để tay mòn hết vân đi. Vì không biết chúng thực hiện lúc nào, nên mỗi ngày chúng tôi đều mài như vậy để sẵn sàng. Thậm chí, có người mài đến lúc tay rớm máu", nói đến đây, bà siết chặt các ngón tay hơn.
Không ngoài dự tính, đến lúc chúng thực hiện, do chụp hình không được nên chúng đánh đập tù nhân tàn bạo. Khi mọi người ngất đi, chúng lấy vân tay, nhưng không ai còn vân tay. Điều này càng nhân lên sự tức giận trong chúng và dồn hết đòn roi lên đầu người tù.
Cuộc đấu tranh "Chống lăn tay, chụp hình" kết thúc, bà Mỹ Hoa cùng tập thể bị tra tấn cực hình dã man, nhưng đã giành được thắng lợi hoàn toàn, bẻ gãy âm mưu đen tối của kẻ địch.
Bên trong nhà tù Côn Đảo - chứng tích "địa ngục trần gian". (Ảnh: Zing News)
“Ngày chiến thắng không biết mình còn hay không”
Trước khi bị đày đi Côn Đảo, bà Mỹ Hoa từng có thời gian bị giam cầm ở nhà lao Chí Hòa. Chúng nhốt bà ở khu OB, khu giam dành riêng cho số tù chống đối. Cũng tại đây, bà hay tin Bác Hồ mất.
"Chúng tôi nghe bọn cai ngục nói chuyện với nhau, nhưng chúng tôi không tin", bà Trương Mỹ Hoa nói.
Vài ngày sau, bà và tập thể nắm được tin tức chính xác Bác đã ra đi. Mọi người đau xót chấp nhận sự thật và lặng lẽ tổ chức lễ tang cho Bác trong nhà lao Chí Hòa.
Một thời gian sau, thông qua một số đồng đội bị bệnh đang nằm ở bệnh xá liên lạc được với bên ngoài, bà cùng tập thể tiếp nhận được di chúc của Bác. Cũng chính lúc này, thông tin mình sẽ bị đày ra Côn Đảo dồn dập đưa tới, vì vậy di chúc của Bác được gấp rút học tập.
Đến bây giờ, từng câu, chữ trong di chúc của Bác vẫn được bà nhớ nằm lòng. Nhắc đến, mắt bà lại sáng ngời niềm tự hào và kính phục. Bởi đối với bà và các tù nhân hồi đó, di chúc của Bác Hồ chính là động lực quan trọng, là kim chỉ nam để từng người tiếp tục chiến đấu.
"Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà", 4 từ nhất định trong di chúc của Bác được bà nhắc lại chậm rãi, chắc chắn.
Tưởng chừng chuyện Bác mất sẽ khiến những người tù chính trị nhụt chí, kẻ địch lại tiếp tục khích bác và dụ dỗ: "Bây giờ Bác Hồ mất rồi, mấy bà còn muốn chống đối nữa không? Thôi, chỉ cần mấy bà tham gia chào cờ một lần thôi thì sẽ được trả tự do tức khắc".
Chúng đã lầm, đối với bà và tập thể, Bác ra đi nhưng tư tưởng Bác vẫn còn đây, vẫn trong tim mọi người. Không những không bị sa sút ý chí, mà còn biến đau thương thành hành động để nâng cao tinh thần hơn để học di chúc, củng cố thêm nhận thức, tư tưởng, ý chí. Và nhất là lòng tin tuyệt đối vào cách mạng để vượt qua khó khăn, gian khổ, đạt được chiến thắng.
Thực hiện dã tâm của mình, đêm 29/11/1969, chúng xông vào đàn áp, bắt những nữ tù ở Chí Hoà đày ra Côn Đảo. Trước sự chống đối kịch liệt của các nữ chiến sĩ, chúng sử dụng hơi cay tấn công, đến khi mọi người bất tỉnh thì khiêng lên ô tô rồi đưa tới trực thăng, "xếp như cá hộp" tới Côn Đảo. Ở Côn Đảo, chúng nhốt các bà vào khu chuồng cọp. Mỗi chuồng rộng 1,25m, dài 2,5m, chứa 5 người.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), nhiều tù nhân chính trị được trả tự do, nhưng cũng có nhiều người tiếp tục bị giam cầm, trong đó có bà Mỹ Hoa. Vì vậy, cuộc đấu tranh đòi trả tự do tiếp tục diễn ra trong lao tù. Ở ngoài, phong trào đấu tranh đòi trả tù nhân cũng diễn ra. Trong tù - trong nước - ngoài nước, tiếp tục đòi trả tự do cho tù nhân chính trị.
Tháng 3/1975, tại nhà tù Tân Hiệp (Biên Hoà, Đồng Nai), bà Mỹ Hoa cùng 2 chị em khác được trả tự do, thả vô điều kiện. Đây là cách để chúng xoa dịu phong trào đấu tranh lúc bấy giờ.
Bà vào tù năm 19, ra tù đã chạm 30. Với 11 năm tù, tuổi xuân của bà bị chôn vùi trong các nhà lao, song ý chí và tinh thần chiến đấu của bà luôn bừng sáng, rực cháy mãnh liệt. Để rồi Quốc khánh 1975, bà vỡ oà khi được đón Tết Độc lập cùng toàn dân.
Bà Trương Mỹ Hoa trong ngày khánh thành trường học trên đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa). Trường học do Quỹ Học bổng Vừ A Dính tài trợ xây dựng. (Ảnh: Quỹ Học bổng Vừ A Dính).
Từ đầu cuộc trò chuyện, dù nhắc về trăm thứ đòn roi tra tấn trước đây, bà Trương Mỹ Hoa vẫn giữ nguyên nét điềm tĩnh trên khuôn mặt, rắn rỏi trong câu từ. Thế nhưng, trước khi chúng tôi ra về, câu chúc ngày Quốc khánh của chúng tôi lại khiến bà thay đổi tâm trạng. Mắt bà đỏ hoe, bà quay mặt giấu những dòng nước mắt.
Lặng vài giây, bà nói, bà nhớ những chị em, đồng đội của mình. Họ, những người từng cùng bà trải qua năm tháng giam cầm nơi ngục tù, ấy thế, họ chẳng một lần được đón Tết độc lập.
Hồi đó, nằm trong tay kẻ thù trăm mưu ngàn kế, cuộc sống tù đày lại lắm khổ đau, như mọi người tù chính trị khác, bà Mỹ Hoa luôn chuẩn bị tinh thần "Ngày chiến thắng chưa chắc đã có mình, trên con đường đi đến chiến thắng mình có thể hy sinh". Khi xác định như vậy, mới có thể vượt qua mọi thứ, kể cả cám dỗ, không gì có thể mua chuộc được. Bởi mạng sống là cái quý nhất mà mình không tiếc, huống hồ những vật chất tầm thường khác.
"Ngày Quốc khánh, tôi lại nhớ điều mình từng khẳng định. Trước đây nói ngày chiến thắng chưa chắc đã có mình, thì bây giờ có mình ở đây. Tuy tôi không nói ra, nhưng trong lòng luôn thầm biết ơn rằng, mình vẫn còn sống, được hưởng độc lập và được tiếp tục tham gia cách mạng, được thấy Đất nước tự do... là mình hạnh phúc hơn những anh chị em, đồng đội đã hy sinh xương máu cho chúng ta có độc lập của ngày hôm nay", Nguyên Phó Chủ tịch nước xúc động nói.
Tiễn chúng tôi ra cửa, bà Trương Mỹ Hoa cũng vừa kịp giờ ra sân bay. Trước khi lên xe, thấy ánh mắt chúng tôi không rời bước chân của người phụ nữ ấy, bà ngoái lại, nở nụ cười gần gũi: "Bạn đang nghĩ sao làm dữ vậy, nhiều vậy đúng không. Cũng nhiều người hỏi lắm. Phải làm chứ, phải làm hết mình, thay những đồng đội khác đã hy sinh, làm vì sự hạnh phúc khi được chứng kiến chiến thắng của đất nước".
Bình luận