Trong các năm qua, đề xuất gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch và đón Tết theo Lịch dương của GS Võ Tòng Xuân đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS Phạm Chi Lan nói: "Tôi ủng hộ quan điểm này. Tôi vẫn nghĩ là nên gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch".
- Lý do nào khiến bà cho rằng nên gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch?
Trên thực tế, Tết cổ truyền của Việt Nam kéo quá dài, mất quá nhiều thời gian cho Tết. Số ngày nghỉ chính thức không nhiều nhưng từ đó kéo dài thành những cái không chính thức.
Cả một tháng từ Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán là nhịp độ công việc kém hẳn. Hoặc có những việc người ta cố làm cho xong nhưng xong theo kiểu hối hả vội vã, chứ không phải tâm trạng làm cho đến nơi đến chốn công việc.
Nếu còn Tết Nguyên đán thì vẫn còn theo kiểu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”
Bà Phạm Chi Lan
Sau Tết cổ truyền thì chúng ta vẫn giữ nguyên tập quán “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Nếu còn Tết Nguyên đán thì vẫn còn theo kiểu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Từ lễ hội rồi đẻ ra bao nhiêu thứ mà mất rất nhiều thời gian.
Cái mà tôi không hài lòng nhất là việc chúng ta không kiểm soát được ngày nghỉ cho đúng với số ngày quy định. Cơ quan nào cũng vậy, ngày đầu tiên đi làm phải là ngày chúc tụng nhau chứ không ai làm đủ 8 tiếng theo quy định.
Bên cạnh đó, Tháng Giêng thì đi Tết, đi lễ kinh khủng. Đó là những cái thực tế đang xảy ra mà không ai kiểm soát nổi.
Thứ 3, đó là Tết Nguyên đán của mình không ăn nhập vào kỳ nghỉ chung của toàn thế giới. Lúc người ta nghỉ Noel và Tết Dương lịch với nhịp độ công việc chùng xuống, đáng lẽ lúc ấy mình cũng nghỉ thì có phải hơn không. Nhưng lúc đó thì ở Việt Nam vẫn làm việc.
Trong khi đó, nước ngoài vào thời gian làm việc đầu năm với mức độ tập trung cao thì ở Việt Nam lại nghỉ ngơi.
Giai đoạn nghỉ Tết Âm lịch nhiều khi làm ảnh hưởng đến công việc ghê gớm lắm.
Các doanh nghiệp vào các mùa vụ theo sản xuất thì mình lại bị ảnh hưởng nhịp độ bởi nghỉ Tết Nguyên đán.
Hoặc nếu chúng ta mà làm thì chi phí lại tăng lên bởi vì làm vào ngày nghỉ. Vì vậy, điều đó ảnh hưởng nhiều đến công việc.
Trong khi đó, các nước trên thế giới, người ta vẫn tiếp tục giao dịch, làm việc. Trong khi đó, mình lại có những chậm trễ hoặc không giải quyết được. Điều đó cũng ảnh hưởng lớn đến công việc.
Trong một thế giới đang cạnh tranh như thế này, nhiều khi người ta đang phải cạnh tranh với nhau từng khách hàng, từng thị trường thì mình lại lỡ nhịp do nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Từ đó, mình có thể mất khách hàng, mất thị trường.
- Phải chăng Việt Nam có thể học từ việc gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch của người Nhật, thưa bà?
Trong hội nhập chung, tôi nghĩ rằng Việt Nam nên học theo cách của người Nhật. Người Nhật xưa kia cũng có Tết truyền thống, có Tết riêng. Sau này, người Nhật xoá cái Tết cũ của họ để tập trung vào Tết Dương lịch.
Đất nước Nhật bây giờ vẫn giữ những nét truyền thống văn hoá hấp dẫn nhưng lịch trình công việc họ đã theo được với cái chung trên toàn thế giới.
- Những người lớn tuổi cho rằng tuổi dịp Tết Nguyên đán là khoảng thời gian thiêng liêng để nhớ về quá khứ, tưởng nhớ tổ tiên và cũng là dịp để con cháu sum vầy. Vậy làm sao để thay đổi cảm xúc và suy nghĩ của họ, thưa bà?
Tôi cho rằng truyền thống gia đình và truyền thống sum họp vẫn có thể giữ được bình thường. Nếu chỉ có một kỳ nghỉ vào Tết Dương lịch thì các thành viên trong gia đình nếu muốn tập hợp thì vẫn có thể quây quần được.
Nếu đó là kỳ nghỉ chung của cả nước và ở cả ở nước ngoài với thời gian nghỉ dài thì con cháu ở các nơi khác, ở nước ngoài cũng vẫn có thể về sum họp.
Còn dịp Tết Nguyên đán hiện nay, nếu gia đình nào có con cái đang ở nước ngoài thì khó có thể về được vào dịp này. Như vậy, con cháu cũng không thể sum họp được với gia đình vào dịp Tết Nguyên đán.
Trừ những người đã nghỉ hưu thì mới có thể ở nước ngoài về Việt Nam ăn Tết. Trong khi đó, những thanh niên đang làm việc ở nước ngoài thì không thể về được để thưởng thức Tết Âm lịch.
Nếu những người trẻ này về dịp Tết Dương lịch thì họ có thể cảm nhận được văn hoá, cách sống của gia đình ở Việt Nam thì có phải hay biết bao nhiêu.
Tuy nhiên, rõ ràng, chúng ta có những thói quen, tập quán tốt, không khí ấm cúng của ngày Tết truyền thống thì những người lớn tuổi (trong đó có tôi) thì cũng rất muốn có được không khí đó nhưng về cơ bản phải phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện tại.
Chúng ta không thể níu kéo quá lâu những thói quen dù là tốt nhưng lại ảnh hưởng lâu dài đến công việc của con cháu.
Tôi cho là cái dây kết nối tình thân trong gia đình là do nhiều thứ và hoạt động trong cả năm chứ không chỉ có ngày Tết cổ truyền.
- Tết Nguyên đán có nhiều lễ nghi như: Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy hoặc cúng ông Táo, rước-tiễn ông bà tổ tiên... nếu đón Tết Dương lịch thì những phong tục này vẫn giữ nguyên hay cần giản lược, thưa bà?
Tôi cho rằng nên bớt những phong tục nào mà không có khoa học hoặc thiếu thực tế. Tôi cho rằng, đối với cha mẹ, thầy cô thì lúc nào cũng phải quan tâm chăm sóc chứ không phải đến ngày Tết mới đi thăm hỏi.
Tôi cho rằng, tình cảm, sự quan tâm thường xuyên dành cho nhau mới thực sự là điều đáng quý chứ không phải cứ đúng ngày Tết mới đến.
Đối với thầy cô giáo thì ngày 20/11 có thể đến chơi, ngày 8/3 có thể đến thăm các cô giáo. Còn sự quan tâm đến cha mẹ thì có rất nhiều dịp mà không cứ là phải đến Tết.
Tôi ví dụ như ngày sinh nhật của cha mẹ, ngày cưới của cha mẹ và có bao nhiêu dịp để chúng ta thể hiện lòng biết ơn chứ đâu cứ phải đúng vào ngày Tết.
Cũng phải thấy rằng, ngày xưa là chúng ta sống theo lịch nông nghiệp, chưa có lịch Tây nên mới chọn những ngày như thế.
Còn hiện nay, hoạt động nông nghiệp cũng đã chịu sự thay đổi rất nhiều của khí hậu, thời tiết.
Ví dụ như năm nay hoa đào đã nở, quất đã hỏng. Nhưng không phải vì không có hoa đào ngày Tết mà không có Tết. Tôi nghĩ là tất cả những cái đó, mọi người cần thích nghi, thích ứng dần với cuộc sống hiện đại hơn, gần gũi với thế giới hơn và thay đổi. Trong khi đó, vẫn có thể giữ được truyền thống văn hoá trong gia đình.
Nói cho cùng, tình cảm gia đình gắn bó đến đâu là do ứng xử hàng ngày, do mình biết và ứng xử đúng đắn với cha mẹ, thầy cô chứ không phải lòng hiếu thuận thể hiện ở việc đến thăm vào ngày Tết cổ truyền.
- Sẽ cần phải có lộ trình như thế nào để thực hiện việc gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch, thưa bà?
Tôi không tính được bao nhiêu năm để có thể gộp được Tết ta vào Tết tây. Điều này phụ thuộc vào ý chí của nhiều người. Quyết định cân nhắc của Chính phủ sẽ dựa trên những tham vấn của rất nhiều người khác nhau. Đó là quyết định chung và tôi là một công dân thì tôi sẽ thực hiện theo các quy định.
Nếu như được tham vấn, nếu có ai hỏi ý kiến thì tôi sẽ nói tôi ủng hộ việc gộp Tết ta vào Tết Dương lịch như đề xuất của GS Võ Tòng Xuân.
Từ đó, những người có trách nhiệm phải đưa ra quyết định.
Vì vậy, tôi cho rằng nên đưa vấn đề này ra để bàn luận rộng rãi trong xã hội. Cần phải làm rõ vấn đề giữ như cách truyền thống hay như phương án mới đề xuất thì có gì hạn chế, có gì được lợi.
Đấy mới là điều quan trọng. Điều này để tránh những trường hợp nhìn nhận không đúng hoặc vội vàng phê phán.
Bình luận