• Zalo

Bà nội bà ngoại mừng khi cháu sinh ra trắng tròn mập mạp, bác sĩ lại lo nơm nớp

Sức khỏeThứ Năm, 13/12/2018 07:09:00 +07:00Google News

Trong khi gia đình thường vui mừng vì khi sinh ra con - cháu bụ bẫm, mập mạp thì các bác sĩ lại nơm nớp lo sợ các bé bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.

Theo Ths. BS Đỗ Tiến Dũng - Khoa Sản, Bệnh viện Bưu Điện, bệnh viện tiếp nhận một số ca sản phụ sinh con với cân nặng “khủng”, từ 4kg trở lên. Trong khi ông bà nội ngoại hớn hở vì cháu mình “bụ bẫm” thì các bác sĩ y tá lại nơm nớp lo bé bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, còn người mẹ dễ gặp các nguy cơ khi sinh nở.

Bác sĩ Dũng cho biết, nhiều bệnh nhân đến phòng khám hớn hở khoe mỗi ngày uống 5 cốc sữa để bồi dưỡng. Có chị “nghe theo cơ thể” ăn không kiểm soát dẫn đến nguy cơ tiền sản giật, thai quá to, tiểu đường thai kỳ. Tất cả các trường hợp thai quá to, bác sĩ đều yêu cầu theo dõi sát sức khỏe mẹ và bé.

"Nhiều chị thắc mắc: Em khỏe, con to mà sao phải khám nhiều hơn chị kia mẹ nhỏ, con nhỏ. Xin thưa, thai to, mẹ bắt buộc phải theo dõi đường huyết, huyết áp, đo tim thai, các dấu hiệu như phù, tăng huyết áp, xét nghiệm nước tiểu định kỳ. Tôi xin nói thêm là những người tăng hơn 1kg/tuần đều nằm trong danh sách “dự báo bão””, bác sĩ Dũng cho biết.

mang thai to

 Không phải cứ mang thai sinh con ra cân nặng càng "to" thì bé càng khỏe mạnh.

Nguyên nhân bởi với những ca sinh nở có thai nhi quá to, người mẹ thường phải đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe như: Băng huyết, sang chấn sản khoa lúc sinh hay nhiễm trùng hậu phẫu…

Không chỉ vậy, những trẻ có cân nặng lớn hơn bình thường sau khi sinh cũng có khả năng bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt nguy hiểm như: Hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Nặng nề hơn, trẻ có thể bị xuất huyết não dẫn đến bại não, cực kỳ nguy hiểm.

Bởi vậy, để phần nào giảm bớt nguy cơ bé bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con, bác sĩ Dũng khuyến cáo đối với các sản phụ thai to, nên:

Ăn nhiều rau, hạn chế ăn nhiều đường và tinh bột.

Tập các vận động nhẹ nhàng ít nhất 30p mỗi ngày.

Kiêng sữa bột và sữa công thức, thay vào đó hãy uống sữa tươi không đường.

Ngoài ra, cần khám chuyên khoa Tim mạch 3 tuần sau sinh và chuyên khoa Nội tiết 4 - 6 tuần sau sinh để luôn giữ thể trạng ở mức tốt nhất.

>>> Đọc thêm: Sản phụ 'vượt cạn' thành công với ba bé gái xinh xắn ở tuần 35

Video: Trẻ sơ sinh có thể nhiễm độc, thiệt mạng nếu mẹ cứ bắt con uống nước

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn