• Zalo

Ba hãng hàng không xin tăng giá vé: Chuyên gia kinh tế nói gì?

Kinh tếThứ Bảy, 11/08/2018 14:30:00 +07:00Google News

Theo TS Vũ Đình Ánh, nếu ba hãng hàng không đề xuất xin tăng trần giá vé so với hiện nay thì đây là vấn đề phải xem xét kỹ; còn nếu họ chỉ đề xuất tăng giá vé thuần túy thì vẫn có thể chấp nhận được vì họ là những đơn vị kinh doanh và đó là quyền của họ.

Liên quan đến việc ba hãng hàng không mới đây đề xuất ý kiến với cơ quan chức năng về việc cho phép tăng giá vé với lý do giá xăng dầu tăng, trả lời PV VTC News, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu các hãng đề xuất tăng giá trần thì đây là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ.

TS Vũ Đình Ánh nói: “Tôi được biết, hiện nay, các hãng hàng không vẫn đang áp dụng mức vé theo giá trần. Nếu họ không vượt mức giá trần thì việc đề xuất đó là quyền của họ vì họ là những doanh nghiệp kinh doanh. Vấn đề cần xem xét xem những vấn đề mà họ đề xuất ấy có vượt trần không”.

171924-5

Với lý do giá xăng dầu thế giới dao động theo chiều hướng tăng trong thời gian gần đây, cả 3 hãng hàng không cùng có ý kiến với cơ quan chức năng về việc cho phép tăng giá vé. (Ảnh: Báo Giao thông)

“Quản lý nhà nước hiện nay đối với hàng không là nhà nước thông qua quản lý trần đối với giá vé. Bây giờ, họ đề xuất tăng giá vé thì phải xem xét rõ là họ xin tăng giá vé hay tăng trần giá vé. Nếu họ đề xuất tăng trần giá vé thì lúc đó mới là chuyện phải bàn, còn nếu họ chỉ đề xuất là tăng giá vé thì đó là việc của các hãng”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Về ý kiến cho rằng lúc giá xăng dầu tăng thì các hãng hàng không đề xuất tăng giá vé, trong khi những thời điểm giá xăng dầu không tăng, thậm chí có xu hướng giảm thì các hãng hàng không cũng không giảm giá, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, đó là vì các hãng hàng không là những đơn vị kinh doanh, họ có quyền điều chỉnh kinh doanh sao cho phù hợp.

Trước đó, với lý do giá xăng dầu thế giới dao động theo chiều hướng tăng trong thời gian gần đây, cả 3 hãng hàng không cùng có ý kiến với cơ quan chức năng về việc cho phép tăng giá vé.

Jetstar Pacific đề nghị cụ thể tăng mức tối đa lên đến 25% so với quy định hiện tại.

Theo số liệu từ tổ chức Hàng không dân dụng thế giới IATA, giá nhiên liệu máy bay trung bình thế giới tháng 8/2018 tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, khung giá vé máy bay hiện hành đang được áp dụng là vé nhóm đường bay phát triển kinh tế-xã hội dưới 500 km, ở mức 1,6 triệu đồng/lượt.

Với nhóm đường bay khác dưới 500 km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500 km - 800 km là 2,2 triệu đồng/lượt. Nhóm 850 km - dưới 1.000 km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 km đến dưới 1.280 km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280 km trở lên có mức 3,75 triệu đồng/vé/chiều.

Mức tối đa khung giá vé này được áp dụng theo Quyết định 3282 của Bộ Tài chính, với giá áp dụng là 4.250 đồng/khách/km.

Đáng lưu ý, mức giá này được tính theo phương án giá nhiên liệu Jet A1 thời điểm tháng 12/2014, là 84,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít (tương đương khoảng gần 2,1 triệu đồng/thùng).

Trong khi đó, theo IATA, đến tháng 8/2018, giá nhiên liệu tại khu vực châu Á và châu Đại Dương đang ở mức 86,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít (tương đương khoảng 2,63 triệu đồng/thùng).

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 mới đây của Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán của doanh nghiệp này, cho biết chi phí xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30% tổng chi phí hoạt động, lúc cao nhất lên đến 38%.

Cũng theo ông Hiền, với quy mô của Vietnam Airlines, cứ mỗi USD giá dầu tăng thêm, chi phí của doanh nghiệp này tăng theo khoảng 230 tỷ đồng/năm.

Video: Phi công đòi khởi kiện, Cục Hàng không lên tiếng

L.Thủy
Bình luận
vtcnews.vn