Sau cú "sảy chân" ở ngân hàng Đông Á, một năm sau đó, bà Dung được Forbes vinh danh là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam vào Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Sự cố Ngân hàng Đông Á ở PNJ
Gắn bó với PNJ từ những ngày đầu, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT công ty, cho rằng văn hóa doanh nghiệp là tài sản của doanh nghiệp, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nữ doanh nhân này khẳng định nhờ văn hóa doanh nghiệp mà trong những giai đoạn khó khăn nhất, như sự cố ngân hàng Đông Á xảy ra vào năm 2015, PNJ đã thoát hiểm.
“Khi xảy ra sự cố Ngân hàng Đông Á, mọi người nghĩ rằng PNJ sẽ phá sản. Lúc đó, một số ngân hàng rút vốn không cho chúng tôi vay, thậm chí có đối thủ nước ngoài muốn thâu tóm chúng tôi.
Nhưng bằng uy tín của công ty mấy chục năm, ở thời điểm khó khăn nhất đó, một số ngân hàng đã đến với chúng tôi, họ cho vay tín chấp. Nhờ đó chúng tôi mới vượt qua cơn sóng cực kỳ khó khăn”, bà Dung chia sẻ.
Người đứng đầu PNJ nói rằng tháng 8/2015, khi Ngân hàng Nhà nước thông báo đặt Ngân hàng Đông Á vào diện kiểm soát đặc biệt, PNJ lúc đó đang nắm giữ 38,5 triệu cổ phần của Đông Á (tương đương 395 tỷ đồng), là cổ đông lớn của nhà băng này. Khi đó, lượng cổ phiếu được PNJ mang thế chấp cho 2 khoản vay từ Ngân hàng Á Châu (ACB).
Từ trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin chính thức, giá cổ phiếu PNJ đã lao dốc liên tục, và mất 20% chỉ trong vòng nửa tháng.
Trước biến cố quá lớn của doanh nghiệp, bà Dung bình tĩnh tổ chức họp báo công khai, nhanh chóng thông tin về tình hình của doanh nghiệp. Bà đồng thời cho trích lập dự phòng 311 tỷ với khoản đầu tư tại Ngân hàng Đông Á và 30 tỷ cho khoản đầu tư trị giá 92 tỷ vào Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á.
Chính động thái này đã có tác dụng kịp thời và nhanh chóng trong việc trấn an các nhà đầu tư và cổ đông của PNJ.
Điều khiến nhiều người ấn tượng là ở thời khắc khó khăn nhất, nữ tướng của PNJ vẫn xuất hiện tại nhiều sự kiện kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh. Bản lĩnh người đứng đầu doanh nghiệp thể hiện qua cách bà truyền cảm hứng cho giới trẻ ở nhiều cuộc gặp của cộng đồng starup Việt.
"Văn hóa là thứ chúng ta luôn luôn thiếu khi chúng ta có tất cả, nhưng là thứ sẽ tồn tại khi chúng ta mất đi tất cả. Có văn hóa mạnh thì khi gặp chiến lược sai, gặp hoạn nạn doanh nghiệp có thể xây dựng lại trên nền tảng đó”, bà Dung khẳng định.
Thế Giới Di Động thứ 2!
Năm 1988, đang là Trưởng phòng kế hoạch Công ty Nông sản – Thực phẩm quận Phú Nhuận, bà Dung được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Khi bà Dung nhậm chức, tài sản doanh nghiệp tương đương 7,4 lượng vàng.
29 năm xây dựng, nữ doanh nhân này đã phát triển doanh nghiệp với hơn 4.500 nhân viên, 250 cửa hàng trên khắp cả nước, doanh thu mỗi năm đạt trên 7.000 tỷ đồng.
Video: Doanh nhân Nga mang 7 bao tiền xu đi trả nợ bảo hiểm
Những năm sau đổi mới, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vàng đều tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là vàng miếng, bà Dung đã định hướng lối đi là vàng trang sức. Năm 2011, khi Nhà nước dừng hoạt động kinh doanh vàng miếng, nhiều doanh nghiệp trong ngành không kịp trở tay thì PNJ đã có những bước đi vững chắc nhất định trên thị trường.
Thời gian gần đây, tốc độ mở cửa hàng của PNJ trở nên nhanh chóng. Trung bình một tuần lại mở thêm một cửa hàng mới, trở thành "hiện tượng Thế Giới Di Động thứ 2" trên thị trường bán lẻ, và dự kiến cán mốc 300 cửa hàng vào năm 2018.
Công ty chứng khoán BIDV (BSC) nhận định PNJ đang là nhà bán lẻ nữ trang hàng đầu Việt Nam với khoảng 5,3% thị phần toàn thị trường.
Đều nắm giữ vị trí cao nhất tại những doanh nghiệp đầu ngành, những "nữ tướng" này còn có khối tài sản khổng lồ cùng tầm ảnh hưởng lớn trong các lĩnh vực kinh doanh.
Bình luận