Mìn vẫn là một phần quan trọng trong kho vũ khí của hải quân vì chúng đóng vai trò kép (tấn công/phòng thủ) và là vũ khí phi đối xứng được mô tả là “vũ khí chờ đợi”.
Mìn biển - một vũ khí phi đối xứng lợi hại
Các loại mìn, bom đa năng được cải tiến để hoạt động như thủy lôi, được phóng từ khoảng cách xa và thường được triển khai tới các vùng nước tương đối nông, nơi chúng có thể được bố trí nhằm vô hiệu hóa các tuyến đường thủy và cảng chiến lược, cũng như ngăn chặn các cuộc tấn công đổ bộ.
Kể từ Thế chiến II, mìn đã làm hư hại nghiêm trọng hoặc đánh chìm các tàu hải quân nhiều hơn gần 4 lần so với tất cả các phương tiện tấn công khác cộng lại. Trong những tháng cuối cùng của Thế chiến II (năm 1945), những quả thủy lôi quân đội Mỹ thả xuống vùng biển Nhật Bản đã đánh chìm nhiều tàu hơn so với tàu ngầm.
Theo trang FlightGlobal, khả năng khai thác hiện tại bao gồm các mìn kế thừa, thả từ trên không. Dòng mìn Quickstrike không phải là mới, bao gồm các loại 225, 450 và 900 kg, được gọi là Mk.62, Mk.63 và Mk.64. Chúng được chuyển đổi từ bom dùng chất nổ mạnh Mk.80 và được kích nổ khi nó phát hiện ra dấu hiệu âm thanh, địa chấn hoặc áp suất thích hợp từ một tàu đi qua. Loại thứ tư, Mk.65, là một loại mìn Quickstrike 900 kg khác, nhưng dùng vỏ mìn đúng nghĩa thay vì vỏ bom.
Theo giới quan sát, mìn đang ở trong thời kỳ phục hưng và nâng cấp. Gần đây, Hải quân Mỹ theo đuổi hai chương trình nâng cấp, được gọi là Quickstrike-J và Quickstrike-ER. Quickstrike-J chỉ đơn giản là kết hợp quả bom với thiết bị dẫn hướng đạn tấn công trực tiếp bằng GPS, trong khi Quickstrike-ER được bổ sung thêm một bộ cánh. Đây là những nâng cấp cho phép máy bay sử dụng mìn từ bất kỳ độ cao nào, riêng Quickstrike-ER có thể được phóng từ khoảng cách 65 km. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình đặt các bãi mìn và giảm đáng kể rủi ro đối với máy bay, mà bình thường sẽ phải bay thấp và chậm để thực hiện nhiệm vụ.
Máy bay ném bom B-52 có nhiệm vụ mới
Máy bay ném bom B-52 là một trong những máy bay chiến đấu linh hoạt nhất từng được phát triển – có thể thả bom và phóng tên lửa. Thả mìn để ngăn tàu chiến tiếp cận các khu vực nhạy cảm và quan trọng là nhiệm vụ mà B-52 sẽ được trưng dụng trong các cuộc chiến tương lai. Các phi hành đoàn B-52 của Mỹ đã thực hành thả các quả mìn Quickstrike phiên bản cũ ở sân sau của Nga, gần đây nhất là vào năm 2015 trong cuộc tập trận Baltops ở Biển Baltic.
Trong khi các loại mìn Quickstrike thế hệ cũ đòi hỏi máy bay bay ở độ cao thấp hơn và tốc độ thấp hơn trong khu vực mục tiêu, khiến máy bay gặp nguy hiểm, các hệ thống mìn thế hệ mới hơn có thể được triển khai bởi các máy bay bay ở cùng tốc độ và độ cao chiến thuật như yêu cầu của JDAM. Biến thể mìn thả gần được gọi là Skipjack - Quickstrike-J nặng 900 kg có thể được triển khai bởi bất kỳ máy bay nào có khả năng mang JDAM.
Theo Defense One, ngoài máy bay B-52, Skipjack đang tiếp tục được thử nghiệm với máy bay ném bom B-1 và máy bay chiến đấu F/A-18. Một biến thể nặng 900 kg của Quickstrike-ER có công suất nổ tương tự như Slipjack. Loại mìn này đang được thử nghiệm trên B-52 và có thể sẽ được triển khai trên bất kỳ loại máy bay nào có khả năng mang JDAM, bao gồm cả máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit.
Valiant Shield là một cuộc tập trận được tổ chức để tăng cường khả năng phối hợp và liên lạc giữa các quân binh chủng, là cơ hội lý tưởng để kiểm tra mìn Quickstrike, triển khai từ trên không nhằm tạo bãi mìn trên biển. Khả năng trên không chỉ làm tăng chức năng của máy bay ném bom phục vụ lâu nhất của Mỹ mà còn mang lại cho Không quân Mỹ khả năng biến các tuyến đường thủy chiến lược không thể lưu thông, một khả năng hữu ích đối với các khu vực điểm như vùng nước nông ở Biển Đông.
Cuộc thử nghiệm chiến thuật đầu tiên đối với loại mìn phóng từ trên không diễn ra trong cuộc tập trận Valiant Shield tháng 9/2014, khi một chiếc B-52H thả một quả Quickstrike-ER, một biến thể của quả bom tấn công trực diện liên hợp nặng 225 kg. Được biết đến với tên gọi Cá bơn, những quả mìn này có thể được thả từ máy bay hoạt động cách xa hơn 65 km, một khả năng có thể thực hiện được nhờ bộ cánh gắn trên thân. Năm 2016, vũ khí này đã được phóng thử từ F/A-18 trong tập trận thường niên Valiant Shield năm đó.
Trong cuộc tập trận Valiant Shield gần đây, một máy bay ném bom tầm xa hạng nặng B-52H Stratofortress Mỹ đã chứng minh khả năng triển khai từ khoảng cách gần 80km 3 quả mìn biển Quickstrike-ER (tăng tầm) nặng 900 kg đủ mạnh để hạ gục cả những tàu hải quân lớn nhất. Nhiệm vụ được thực hiện mà không khiến bản thân phi hành đoàn và máy bay bị tổn hại, một khả năng thay đổi cuộc chơi nếu có chiến tranh nổ ra với một cường quốc hải quân khác.
Tháng 12/2021, Hải quân Mỹ đã yêu cầu xác định nhà thầu nào có khả năng thiết kế, sản xuất và thử nghiệm các loại mìn hàng hải/thủy lôi có thể được triển khai ở tầm xa từ trên không. Theo trang GovTribe.com, “thủy lôi có thể được yêu cầu phóng khối lượng vật liệu nổ tối thiểu 225 kg trên khoảng cách 100 hải lý và khối lượng chất nổ 900 kg ở khoảng cách trên 100 hải lý. Ngoài ra, các xu hướng thiết kế được đề xuất có thể sử dụng các thiết bị phát hiện mục tiêu, an toàn và trang bị như dòng mìn Quickstrike hiện tại”.
Vận hành hơn 70 chiếc B-52 nên trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Không quân Mỹ có thể triển khai hàng chục chiếc máy bay khổng lồ này đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hoặc phái chúng từ Mỹ đi thực hiện nhiệm vụ tạo các bãi mìn trên vùng chiến sự Thái Bình Dương. Không khó để tưởng tượng đội hình của những chiếc B-52 có thể nhanh chóng đặt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quả mìn để phong tỏa các tuyến đường và cảng biển quan trọng.
Bình luận