Australia là nước đầu tiên trên thế giới quy định trọng tài bắt buộc trong trường hợp đàm phán thương mại giữa các hãng công nghệ và nhà xuất bản sụp đổ. Australia đã sửa đổi dự luật vào phút chót sau khi đối đầu với Facebook, khiến hãng này chặn tất cả tin tức tại đây.
Nội dung sửa đổi cho phép chính phủ có quyền loại bỏ Facebook hoặc Google khỏi quy trình trọng tài nếu họ chứng minh được rằng đã đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp tin tức Australia. Một số nhà lập pháp và nhà xuất bản cảnh báo nó có thể khiến các công ty truyền thông nhỏ hơn chịu thiệt thòi. Tuy nhiên, Facebook và chính phủ Australia đều tuyên bố luật sửa đổi là thắng lợi.
Trong thông báo chung, Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg và Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher cho biết quy định bảo đảm các tổ chức tin tức được trả thù lao công bằng cho nội dung mà họ tạo ra, giúp duy trì hoạt động báo chí trong nước.
Mọi diễn biến liên quan tới luật của Australia đều được quốc tế theo dõi chặt chẽ. Anh và Canada cân nhắc biện pháp tương tự nhằm kìm cương các nền tảng công nghệ thống trị.
Luật sửa đổi cũng cho phép các bên đàm phán với nhau trong thời gian lâu hơn trước khi nhà nước quyết định can thiệp. Dù vậy, Australia chưa công bố thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Luật sẽ được xem xét trong vòng 1 năm từ khi bắt đầu.
Luật không nhắc tên cụ thể Facebook hay Google. Đầu tuần này, ông Frydenberg nói rằng sẽ chờ cho tới khi các gã khổng lồ này ký thỏa thuận thương mại với các nhà xuất bản trước khi quyết định có bắt buộc cả hai theo luật mới không.
Google đã ký một loạt thỏa thuận với các nhà xuất bản, bao gồm thỏa thuận nội dung toàn cầu với tập đoàn News Corp dù trước đó dọa rút công cụ tìm kiếm khỏi Australia do dự luật. Một số hãng truyền thông như Seven West Media, Nine Entertaintment, ABC cũng đang đàm phán với Facebook.
Bình luận