Reuters dẫn nguồn từ một phát ngôn viên của SBS cho biết, các chương trình của đài truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV và CGTN sẽ không được phát sóng vào hôm 6/3 và SBS đang xem xét đơn khiếu nại từ một tổ chức nhân quyền.
"Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề và sự phức tạp của tài liệu liên quan đến việc khiếu nại, chúng tôi đã đưa ra quyết định tạm ngừng phát sóng các bản tin CGTN và CCTV. CBS sẽ thực hiện đánh giá về chương trình tin tức trên các kênh này", tuyên bố của SBS cho hay.
Trên trang SBS News, nhiều thông tin cho biết, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders đã gửi thư đến SBS sau khi cơ quan quản lý truyền thông của Anh thu hồi giấy phép của CGTN do "vi phạm nghiêm trọng về các quy định về giấy phép hoạt động".
Bức thư từ Safeguard Defenders gửi SBS cho biết, CCTV đã phát sóng lời thú tội cưỡng bức của khoảng 56 người trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2020.
"Chương trình của kênh này phát sóng những lời thú tội cưỡng bức của các tù nhân bị giam giữ trong các điều kiện hà khắc và bị tra tấn", SBS trích dẫn nội dung thư từ Safeguard Defenders cho biết.
SBS là đài truyền hình dịch vụ công, cung cấp các chương trình tin tức và giải trí trên đài phát thanh và truyền hình bằng nhiều ngôn ngữ và tập trung vào các vấn đề văn hóa. Trên SBS, chương trình của đài CGTN phát sóng bằng tiếng Anh với thời lượng 15 phút, trong khi CCTV phát sóng thời lượng 30 bằng chương trình tiếng Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 2, cơ quan quản lý truyền thông Anh (Ofcom) thu hồi giấy phép phát sóng kênh CGTN của Trung Quốc tại nước này, do sai phạm trong sở hữu giấy phép. Quyết định thu hồi giấy phép phát sóng của CGTN được Ofcom ban hành sau một loạt cuộc điều tra nhằm vào kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc này.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra căng thẳng suốt năm qua, khi hai bên liên tục khẩu chiến về các vấn đề nguồn gốc COVID-19, kinh tế và thương mại. Trung Quốc đã đánh thuế nhập khẩu hàng tỷ USD với hơn 10 sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Australia, trong đó có lúa mạch, thịt bò, than đá, đồng, gỗ và rượu.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng công bố hồ sơ nêu 14 sự việc "đầu độc" mối quan hệ song phương, trong đó có việc Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19 và cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G.
Bình luận