"Ông Djokovic đã không thể cung cấp chứng cứ phù hợp với quy định nhập cảnh Australia. Do vậy, visa của ông đã bị hủy. Bất kỳ ai không phải là công dân và không có visa nhập cảnh hợp lệ, hoặc những ai bị hủy visa, sẽ bị bắt giữ và bị trục xuất khỏi Australia", AFP dẫn thông báo của Cơ quan Biên giới Australia (ABP).
Với quyết định này, tay vợt người Serbia không thể tham dự giải tennis Australia Open sẽ bắt đầu từ ngày 17/1.
Thủ tướng Australia Scott Morrison bảo vệ quyết định của cơ quan biên phòng, theo Reuters. "Visa của Djokovic đã bị hủy. Luật là luật, đặc biệt khi vấn đề liên quan đến biên giới của chúng ta. Không ai được đứng trên luật pháp", ông Morrison viết trên Twitter.
Djokovic đáp ở Melbourne một ngày trước đó, sau khi hào hứng chia sẻ trên mạng xã hội rằng anh được đặc cách y tế để tham gia thi đấu mà không cần cung cấp bằng chứng đã chủng ngừa COVID-19 đầy đủ.
Theo Reuters, ngay sau khi Djokovic đáp ở sân bay Tullamarine, anh được đưa ngay đến phòng biệt lập có giám sát vì không đáp ứng tiêu chuẩn nhập cảnh. Sau khi visa bị hủy, Djokovic sẽ sớm bị trục xuất khỏi Australia cùng ngày.
Việc miễn trừ chứng nhận vaccine của Djokovic được cho là đã có sự đồng ý từ ban tổ chức giải Australian Open, sau khi hồ sơ của Djokovic được hai ủy ban y tế chấp thuận. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người Australia, vốn đã chịu cảnh phong tỏa nghiêm ngặt trong thời gian qua, tức giận.
Craig Tiley, Giám đốc điều hành Tennis Australia, cho biết quy trình đăng ký miễn trừ bao gồm hai giai đoạn được bảo mật và do các chuyên gia độc lập đánh giá. Tất cả đơn đăng ký đều được xem xét ký để đảm bảo mọi trường hợp miễn trừ đáp ứng các điều kiện do Nhóm Tư vấn Kỹ thuật Australia về Tiêm chủng (ATAGI) đưa ra.
Ông Tiley kêu gọi nhà vô địch của 9 mùa giải Australia Open công khai lý do anh nói được miễn trừ chứng nhận chủng ngừa COVID-19 để xoa dịu dư luận. Một trong những điều kiện miễn trừ là người đó từng mắc COVID-19 trong 6 tháng.
Ông Tiley nói chỉ 26 trong số khoảng 3.000 cầu thủ và đội ngũ hỗ trợ nộp đơn xin miễn trừ chứng nhận vaccine. Chỉ một số ít người được cấp phép thành công, theo AFP.
Djokovic từng thể hiện rõ quan điểm chống vaccine của mình. Hồi tháng 4/2020, anh phản đối việc tiêm chủng bắt buộc để các giải đấu được nối lại. "Cá nhân tôi không phải là người ủng hộ vaccine. Tôi không muốn ai đó bắt ép mình tiêm phòng để có thể đi lại", Djokovic cho biết khi đó.
Một nguồn tin của Reuters cho biết hồ sơ visa và các giấy tờ khác mà Djokovic dùng để xin nhập cảnh Australia cũng giống với hồ sơ của ba cầu thủ khác đã đến nước này trước đó.
Theo CNN, trước thông báo của chính phủ Australia, cha của Djokovic, ông Srdjan Djokovic, nói con trai ông đang bị giới chức "giam giữ" sau khi có sự nhầm lẫn hồ sơ xin visa.
Ông nói con mình bị nhốt trong một căn phòng mà không ai có thể vào được, với hai cảnh sát đứng canh.
“Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Họ đang giam giữ con trai tôi trong 5 giờ đồng hồ", ông nói. “Nếu họ không để con tôi đi trong 30 phút nữa, chúng ta sẽ tập hợp ngoài đường phố. Đây là cuộc chiến cho mọi người”.
Kể từ khi bình luận này được đưa ra, hiện chưa có báo cáo nào về các cuộc tụ tập ở Belgrade hoặc bên ngoài sân bay tại Melbourne.
Bình luận