Để cứu số thông quý trong Công viên quốc gia Wollemi, giới chức Australia phải huy động nhiều máy bay trút "bom nước" xuống các cánh rừng đang bị các đám cháy lăm le nuốt chửng. Trực thăng cũng đưa các lính cứu hỏa di chuyển vào hẻm núi để thiết lập một hệ thống tăng độ ẩm cho mặt đất, làm chậm độ lây lan của các đám cháy.
"Nó giống như một chiến dịch theo kiểu quân đội. Chúng tôi phải làm mọi thứ", Bộ trưởng Năng lượng và môi trường Australia, ông Matt Kean cho hay.
Công viên quốc gia Wollemi là nơi duy nhất mà loài thông Wollemi trên thế giới được tìm thấy trong tự nhiên và cũng chỉ còn 200 cây. Người ta thậm chí còn ví việc tìm thấy Wollemi vào năm 1994 chẳng khác nào phát hiện ra một loại khủng long còn sống.
"Chúng tôi phải làm mọi thứ để bảo vệ chúng", ông Kean cho hay.
Cris Brack, giáo sư Đại học Quốc gia Australia cho biết các bằng chứng được tìm thấy cho tới nay chỉ ra rằng số thông Wollemi lần đầu tiên được tìm thấy vào năm 1994 tồn tại từ 100-200 năm trước và từng có mặt trên khắp đất nước.
Ông Kean cho biết mối đe dọa với thông Wollemi lên tới đỉnh điểm vào cuối năm 2019, trong đó 4 ngày giới chức Australia chìm trong lo lắng khi không rõ liệu họ giữ nổi rừng thông quý hay không.
"Chúng tôi chỉ biết chờ đợi cho tới trước khi các chuyên gia cho biết kết quả. Trong khi một vài loài cây bị thiêu rụi, 200 cây thông Wollemi vẫn trụ vững", ông Kean cho hay.
Các đám cháy ở New South Wales thiêu rụi 5,2 triệu ha đất. Ước tính số lượng động thực vật hoang dã bị thiêu rụi sau cháy rừng ở bang này dẫn đầu cả nước Australia.
Bình luận