Theo tài liệu của tòa án, gã khổng lồ dược phẩm AstraZeneca lần đầu tiên thừa nhận vaccine COVID-19 của họ có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, từ đó dẫn đến cục máu đông và nguy cơ dẫn đến tử vong.
Công ty này đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể cáo buộc tác dụng phụ của vaccine COVID-19 do họ sản xuất có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Cuộc chiến pháp lý do Jamie Scott, một ông bố hai con, bị đông máu dẫn đến tổn thương não hậu tiêm vaccine của AstraZeneca hồi tháng 4/2021 - thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19. Ông yêu cầu hãng dược phẩm bồi thường và tuyên bố vaccine AstraZeneca “bị lỗi” và kém an toàn.
Công ty AstraZeneca phủ nhận cáo buộc.
Tờ Daily Telegraph trích dẫn phát ngôn AstraZeneca hồi tháng 5/2023 cũng từng khẳng định vaccine của họ không gây ra hội chứng huyết khối kèm giảm tiểu cầu (TTS - hiện tượng cục máu đông).
Hiện tượng cục máu đông là tình trạng hiếm gặp, nó có thể làm giảm lưu lượng máu khi kết hợp với số lượng tiểu cầu thấp, gây khó khăn cho việc cầm máu. Các triệu chứng cục máu đông bao gồm đau đầu dữ dội và đau bụng.
Dù từng nhiều lần phủ nhận, các tài liệu đệ trình lên Tòa án Tối cao Vương quốc Anh hồi tháng 2 của AstraZeneca lại thừa nhận "vaccine AZ (AstraZenenca) trong một số trường hợp rất hiếm có thể gây ra TTS. Cơ chế nhân quả chưa được biết rõ".
Theo Telegraph, công ty cũng cho biết thêm: “Hơn nữa, TTS cũng có thể xảy ra trong trường hợp không tiêm vaccine AstraZeneca (hoặc bất kỳ loại vaccine nào)”.
AstraZeneca khẳng định dữ liệu hiện có cho thấy loại thuốc này có “hồ sơ an toàn có thể chấp nhận được” và “các cơ quan quản lý trên toàn thế giới luôn tuyên bố rằng lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ tiềm ẩn cực kỳ hiếm gặp”.
Năm 2021, nhiều quốc gia phương Tây đình chỉ sử dụng vaccine AstraZeneca vì lo ngại nó có thể khiến một số bệnh nhân hình thành cục máu đông. Vào thời điểm đó, người đứng đầu chiến dịch vaccine của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) Marco Cavaleri khẳng định có mối liên hệ rõ ràng giữa việc tiêm loại vaccine này với hiện tượng cục máu đông trong não. Nhưng đồng thời, ông vẫn khẳng định lợi ích của việc tiêm vaccine vẫn lớn hơn rủi ro.
Vaccine AstraZeneca được phát triển với sự cộng tác của Đại học Oxford. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine của AstraZeneca có hiệu quả 72%. Theo công ty, tính đến tháng 4/2021, hơn 17 triệu người đã tiêm ở EU và Vương quốc Anh, với chỉ dưới 40 trường hợp mắc bệnh huyết khối được báo cáo.
Bình luận