• Zalo

Arsene Wenger: Hãy tạc tượng cho "Mourinho xứ Phù Tang"

Ống kính bạn đọcThứ Tư, 30/06/2010 03:34:00 +07:00Google News

(VTC News) - "Vua phá lưới" VTC News tuần thứ 2 tiếp tục "ghi bàn" với những phân tích thú vị về "Mourinho châu Á" - HLV trưởng ĐT Nhật Bản Takeshi Okada.

(VTC News) - Các chàng trai Nhật Bản đã rơi nước mắt trên chấm phạt đền cùng với giấc mơ châu Á còn dang dở; nhưng trong lòng những NHM, họ vẫn là những dũng sĩ quả cảm, là niềm tự hào của bóng đá "lục địa vàng". Và họ cũng có quyền tự hào về một HLV xuất sắc, người đã làm nên những điều kì diệu với đoàn quân Samurai xanh của mình.

Jose Mourinho không bay đến Nam Phi để xem World Cup. Nhưng cái bóng của “người đặc biệt” dường như đã và đang phủ kín khắp các sân vận động của “đất nước cầu vồng”. Triết lý “chiến thắng mà không cần giữ nhiều bóng”, từng giúp Mou đăng quang tại đấu trường UEFA Champions League danh giá mùa giải vừa qua, như một cuốn kinh thánh để những đội bóng được coi là “dưới cơ” nuôi những hy vọng của riêng mình. Và trên thực tế, tại World Cup năm nay, đã có không ít những “cơn địa chấn” từ những đội bóng nhỏ áp dụng lối chơi ấy, như chiến tích của Thụy Sỹ trước Tây Ban Nha, hay chiến thắng 3-2 của Slovakia trước Ý…

 

Song, người Nhật không quan tâm đến Jose Mourinho. Đơn giản, bởi họ đã có một Mourinho của riêng mình để mà ngưỡng mộ. Một Mourinho khác mang trái tim Nhật Bản. Takeshi Okada: Mourinho xứ Phù Tang.

 

 

Khi tuyển Nhật để thua 0-2 trước Hàn Quốc trên sân nhà, rồi thua tiếp 1-2 trước Tam Sư trong loạt trận giao hữu trước thềm World Cup, làn sóng chỉ trích từ báo chí và dư luận ập xuống đầu những “samurai xanh”. Cơn ác mộng 12 năm trước trên đất Pháp lại hiện về. Người ta chỉ nói đến việc đội tuyển dưới sự dẫn dắt của chính Okada đã thua cả 3 trận vòng bảng World Cup năm ấy ra sao, và Okada đã thất bại toàn tập năm ấy như thế nào. Tương lai bị che phủ. Sự hoài nghi bao trùm lên tất cả, và niềm tin vào đội tuyển, trở thành một thứ xa xỉ phẩm.

 

Okada im lặng. Ông không thích nói nhiều và chỉ chứng minh bằng hành động. Rõ là người đàn ông 54 tuổi sinh ra tại Osaka với gương mặt khắc khổ ấy đang có những toan tính của riêng mình.     

 

Và đây, câu trả lời cho tất cả. Toàn thế giới té ngửa vì sự lột xác của Nhật Bản dưới bàn tay Okada. Ông đã dũng cảm gạt bỏ ngôi sao Shunsuke Nakamura, khéo léo nhưng điệu đà, bằng những Okubo, Matsui, “công nhân” hơn, nhưng cũng giàu tốc độ, chiến đấu bền bỉ hơn. Những gì người ta biết về một đội Nhật chơi theo kiểu Latin, chỉ biết đá ngắn, nhuyễn, đẹp mắt nhưng “ẻo lả” như những cánh hoa anh đào được thay bằng cách chơi đa dạng hơn hẳn, như một khối bê tông rắn rỏi, vững chãi và kiên cường. 4-2-3-1 thay cho 4-4-2, phòng ngự phản công, chắc chắn hơn, “biết người biết ta” hơn, thay cho áp đặt tấn công máy móc, mù quáng như thường lệ. Lối đá của “những samurai xanh” là sự kết hợp hài hòa giữa những đường ban ở cự li ngắn và trung bình, đánh vỗ mặt vào trung lộ với những pha xẻ nách cho các cầu thủ chạy cánh. Nhật Bản trước thềm World Cup và trong World Cup, cứ như thể là 2 đội bóng hoàn toàn khác nhau.

 

Okada cũng đã làm một cuộc cách mạng khi đưa ngôi sao sáng nhất, Keisuke Honda, vốn là một tiền vệ tổ chức, lên đá cắm trên hàng công. Quyết định ấy đã vấp phải sự phản đối hết sức mạnh mẽ từ giới chuyên môn. Đa phần cho rằng, để Honda đá cắm sẽ triệt tiêu khả năng làm bóng, sáng tạo và nhãn quan chiến thuật tuyệt hảo của anh. Nhưng một lần nữa, Okada đã chứng minh mình có lý. Cách đá phòng ngự chủ động, pressing 1/3 mặt sân, cướp được bóng là lập tức phất lên cho Honda, đã phát huy tối đa không chỉ những điểm mạnh kể trên của anh, mà còn phát tiết được tốc độ, sức rướn và nền tảng thể lực tuyệt vời của cầu thủ đang chơi cho CSKA Moscow. Để rồi Keizer Keisuke (hoàng đế Keisuke), chính là người ghi được nhiều bàn thắng nhất cho Nhật ở World Cup năm nay (2 bàn), và là ngôi sao sáng nhất, là niềm cảm hứng của toàn đội, ghi dấu ấn đậm nét vào lối chơi của đội bóng “đất nước mặt trời mọc”.

  

Rõ ràng, Takeshi Okada đã làm được những điều kì diệu khi dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản ở kì World Cup lần này: đánh bại “những chú sư tử bất khuất” Cameroon, quật ngã “những chú lính chì” Đan Mạch cực kì thuyết phục, để lần đầu tiên lọt vào vòng 2 của một kì World Cup xa nhà, mang lại niềm tự hào lớn lao cho toàn châu Á. Dù thất bại trước Paraguay ở vòng 1/8, nhưng đó đơn thuần chỉ vì thần may mắn đã ngoảnh mặt với họ trong loạt luân lưu nghiệt ngã. Và những giọt nước mắt nuối tiếc đêm qua không làm người ta thôi hy vọng về một đội Nhật mạnh mẽ, kiên cường hơn nữa trong tương lai. Với Okada trên băng ghế huấn luyện…

 

“Nếu ông có thể đưa Nhật Bản vượt qua được vòng bảng, họ sẽ phải tạc tượng ông thật lớn, để đặt giữa trung tâm Tokyo, bởi ông xứng đáng được như vậy!” - Giáo sư người Pháp Arsene Wenger đã nói như thế với Okada trong một bữa ăn tối tại London, trước khi World Cup diễn ra.

 

Lạy chúa, Arsene, hãy nhìn xem người bạn già của ông đã làm được những gì này? Tạc tượng Okada ư, tại sao lại không cơ chứ?

Đỗ Xuân Hiếu

 Bài viết nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Viết bài hay, gửi ảnh độc, nhận quà bất ngờ". Mời bạn đọc tiếp tục tham dự bằng cách gửi ảnh, bài viết, clip với chủ đề Tôi và World Cup về [email protected] và giành những giải thưởng thú vị!

Bình luận
vtcnews.vn