• Zalo

Apple sắp triển khai dự án dữ liệu 1 tỷ USD tại Việt Nam

Kinh tếThứ Bảy, 26/03/2016 11:26:00 +07:00Google News

Sự có mặt của Apple sẽ có lợi cho môi trường đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, không dễ để biến cơ hội thành lợi ích từ dự án tỷ đô của hãng công nghệ này.

Sự có mặt của Apple sẽ có lợi cho môi trường đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, không dễ để biến cơ hội thành lợi ích từ dự án tỷ đô của hãng công nghệ này.

Vì sao chọn Việt Nam?

Apple Inc có thể sẽ theo chân đối thủ lớn nhất của mình là Samsung Electronics để đầu tư vào Hà Nội, biến Việt Nam thực sự trở thành trung tâm lớn của các hãng sản xuất điện thoại và tạo ra sức hút mới với nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác tại Việt Nam.


Tập đoàn Apple (Mỹ) đang xúc tiến đầu tư tại Việt Nam cho thấy tiềm năng thu hút vốn ngoại vào lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam hiện rất lớn.

Trong danh mục các dự án nhà đầu tư đang tìm hiểu cơ hội đầu tư/chuẩn bị thủ tục đầu tư của UBND TP Hà Nội có dự án của Công ty Apple Inc. Cụ thể, dự án này xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu phục vụ khu vực châu Á với tổng vốn đăng ký 1 tỉ USD, đang ở giai đoạn giới thiệu địa điểm và hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thành thủ tục.

Apple luôn chú trọng Đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D). Năm ngoái, hãng sản xuất điện thoại Iphone này đã chi tới hơn 8 tỷ USD cho hoạt động R&D trên toàn thế giới. Số tiền này tương đương với 3% tổng doanh thu của Apple trong năm tài chính 2015 kết thúc vào tháng 9/2015. Apple cũng dành một tỷ lệ tương tự cho các hoạt động R&D trong các năm 2013 và 2014.

Toàn bộ 1 tỷ USD vốn đầu tư của Apple vào Việt Nam lần này dự kiến sẽ được dùng để xây dựng một trung tâm nghiên cứu và cơ sở dữ liệu 
Hiện tại, Apple đã có các trung tâm R&D tại Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ và Israel. Tập đoàn này cũng đang xây dựng một trung tâm R&D mới ở Nhật Bản và dự kiến đến tháng 6 tới sẽ mở một trung tâm R&D mới tại Ấn Độ.

Hiện vẫn chưa thể biết được rằng dự án đầu tư của Apple tại Việt Nam đến lúc nào sẽ được triển khai và lĩnh vực nghiên cứu cụ thể mà Apple muốn tập trung ở Việt Nam. Nhưng với quy mô của dự án như vậy, có thể thấy được Apple đang đánh giá rất cao về tiềm năng nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Cuối năm 2015, Apple đã lập Công ty TNHH Apple (Apple Vietnam LLC), trụ sở tại TP HCM, do ông Gene Daniel Leveff, thành viên cấp cao của tập đoàn, phụ trách. Một lãnh đạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM cho biết trong  năm 2014 và 2015, Apple từng tới đây tìm hiểu môi trường đầu tư. Như vậy, ý định đầu tư của tập đoàn này vào Việt Nam đã được nhen nhóm từ lâu.

Theo thông tin trên báo Người lao động, xung quanh dự án của Apple ở Việt Nam có những suy luận khác nhau. Trung tâm cơ sở dữ liệu phục vụ khu vực châu Á của Apple với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD được giới công nghệ cho là “khó hiểu”.

Thông thường, một trung tâm R&D hoặc trung tâm cơ sở dữ liệu quy mô khoảng vài trăm triệu USD đã là khổng lồ. Trung tâm này thường được xây dựng để phục vụ cho hoạt động sản xuất quy mô lớn của doanh nghiệp tại thị trường nội địa, trong khi Apple chưa có nhà máy sản xuất điện thoại, máy tính nào ở Việt Nam. Đối tác sản xuất linh kiện chính cho các sản phẩm của Apple là Foxconn đã đầu tư ở Việt Nam nhưng với quy mô rất nhỏ.

Năm 2015, Compal - một tập đoàn chuyên gia công thiết bị điện tử, điện thoại di động cho các hãng điện tử lớn trên thế giới - công bố sẽ tiếp tục triển khai dự án sản xuất máy tính ở Vĩnh Phúc.

Dự án này được cấp phép từ năm 2007 với vốn đầu tư 200 triệu USD nhưng sau đó gần như không triển khai. Khi Compal thông tin về việc sẽ hợp tác với một đối tác Mỹ để tiếp tục dự án sản xuất điện thoại di động, nhiều đồn đoán trong giới công nghệ cho rằng đối tác này là Apple. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng suy đoán này cũng không có cơ sở do nhà máy Compal ở Vĩnh Phúc có quy mô quá nhỏ.


Như vậy, cả 2 suy luận nêu trên dường như vẫn chưa hợp lý.

Việt Nam hưởng lợi gì?

Trên báo Người lao động, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Apple. Có thể nhà đầu tư đang chần chừ, chưa đặt vấn đề chính thức nhưng Việt Nam cần tận dụng cơ hội này bởi dự án phù hợp với mục tiêu thu hút vốn ngoại trong lĩnh vực công nghệ cao.

Theo GS Nguyễn Mại, trong những năm qua, Việt Nam đã bỏ ra hàng triệu USD thành lập và vận hành các phòng thí nghiệm quốc gia nhưng do cơ chế không tốt nên không hiệu quả. Nay, nhiều tập đoàn nước ngoài đến Việt Nam đầu tư các nhà máy sản xuất và lập các trung tâm R&D là cơ hội rất lớn giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.

Sản phẩm của Apple được người Việt Nam tin dùng 
Trao đổi với báo Đất Việt ông Vũ Đức Quyết – Giám đốc sở Công thương Bắc Ninh, nguyên trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh cho hay, dự án của Apple là đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển, khác hoàn toàn với các dự án xây dựng công xưởng, nhà máy lắp ráp sản phẩm của Samsung.

Ông Quyết lưu ý, mặc dù hãng này thành lập khá nhiều trung tâm R&D trên thế giới, nhưng đầu não quan trọng nhất vẫn nằm ở trung tâm R&D tại California (Mỹ) - nơi hội tụ nhiều tinh hoa công nghệ thế giới với những kỹ năng và kiến thức chuyên sâu.

Giám đốc sở cho biết dù ông chưa hiểu được hết ý đồ của Apple là gì và phân khúc nào sẽ vào Việt Nam, nhưng có thể khẳng định dự án của Apple, nếu có, là rất tốt cho môi trường đầu tư, phát triển của Việt Nam.

Theo ông Quyết, sự có mặt của Apple là nhân tố thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ cao giữa Samsung với doanh nghiệp trong nước nhanh hơn, thiết thực hơn. Trên thực tế, dù Samsung đã vào Việt Nam cả chục năm nay nhưng rất ít người được tiếp cận với chiến lược phát triển của Samsung.

Ông Quyết cũng cho biết thêm, với một dự án công nghệ cao hàng tỷ USD thì không chỉ có các tỉnh mà ngay cả Chính phủ cũng sẽ phải rất quan tâm tới các chính sách thu hút đầu tư. Tuy nhiên, dù lời mời chào có hấp dẫn thế nào cũng không thể vượt ngoài khung chính sách chung của chính phủ.

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn