Việt Nam đã “sử dụng” vai trò chủ nhà APEC 2017 một cách hoàn hảo
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam là một trong những sự kiện ngoại giao, kinh tế lớn nhất của đất nước. Không phải chờ đến khi kết thúc người ta mới nhận định được thành quả của sự kiện này. Thành công của APEC 2017 đã được xác định từ trước khi sự kiện diễn ra, bởi mục tiêu phấn đấu thực hiện thành công APEC 2017 đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao cho từng bộ, ngành cũng như cho TP Đà Nẵng chuẩn bị chu đáo.
Suốt một năm qua, các bộ trưởng, học giả đã tổ chức hơn 240 cuộc họp tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam để thảo luận nghiêm túc, thống nhất các biện pháp thúc đẩy đối thoại hợp tác và liên kết APEC.
Trong điều kiện nền kinh tế của Việt Nam ở mức trung bình, thì việc tổ chức APEC là một cơ hội lớn để kết nối kinh tế, kết nối doanh nghiệp của 21 quốc gia thành viên, bởi thực chất hoạt động của APEC là hoạt động kinh tế. Ngay cả trong các diễn đàn song phương, đa phương hay nội dung của Tuần lễ Cấp cao cũng bàn về kinh tế, tổ chức diễn đàn kinh tế, diễn đàn doanh nghiệp…
Chủ trì cuộc họp báo kết thúc sự kiện lớn lao này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, APEC 2017 là cơ hội quý báu để Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình hợp tác của khu vực. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định đường lối đối thoại đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chỉ trong một tuần lễ, Việt Nam đã chào đón hơn 10.000 đại biểu tới tham dự, gần 3.000 phóng viên trong nước và quốc tế. Điều này là minh chứng sinh động cho thấy tầm vóc của APEC cũng như ý nghĩa quan trọng của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra sự kiện, Hội nghị Thượng đỉnh APEC đã nhất trí thông qua nhiều nội dung như: Thống nhất thúc đẩy bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội; thông qua Tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC, thảo luận các chính sách, chiến lược nhằm phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo hướng xanh, bền vững và sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, công nghiệp hỗ trợ…; thúc đẩy thương mại đầu tư tự do là sức mạnh của các nền kinh tế thành viên APEC; thông qua Hội nghị, các thành viên sẽ tiếp tục nỗ lực hơn để hoàn tất mục tiêu Bogor 2020 và chuẩn bị bước vào thập nguyên phát triển thứ 4…
Có thể nói, thành công của APEC 2017 thể hiện ở nhiều mặt, rõ nhất là thông qua hội nghị, các nền kinh tế thành viên đánh giá cao việc tổ chức, chủ trì của Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam đã thể hiện được năng lực độc lập trong việc điều hành kinh tế, ngoại giao. Ngoài ra, qua cơ hội lần này, các tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để kết nối với doanh nghiệp nước ngoài trong quan hệ làm ăn, trong chiến lược phát triển của mình.
Thành công của APEC 2017 không thể không kể đến Hiệp định tự do thương mại TPP, được đổi tên thành CPTPP. “Sức nóng” của Hiệp định này lan toả suốt thời gian diễn ra tuần lễ APEC. Cuối cùng, các thành viên của CPTPP đã có thể “thở phào nhẹ nhõm” khi đang tiến rất gần tới việc ký kết.
Những gì diễn ra tại APEC 2017 cho thấy Việt Nam đã “sử dụng” vai trò nước chủ nhà một cách hoàn hảo để thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình.
Khẳng định vị thế của Việt Nam
Không phải ngẫu nhiên mà hôm 6/11, tờ Inquirer (Philippines) đăng bài bình luận có tựa đề “Việt Nam hội nhập toàn cầu: Giờ là lúc hội nhập trong lĩnh vực tài chính”, cho rằng Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn về hội nhập kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế nhanh trong 30 năm qua và là ngôi sao đang nổi trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Trong một bài viết khác đăng trên báo The Economic Times của Ấn Độ, tác giả bài báo nhận định, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong APEC, nước chủ nhà Việt Nam đã cố gắng hài hòa lợi ích, tìm kiếm điểm chung để thu hẹp sự khác biệt và thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC. Việt Nam hiện được đánh giá là một nền kinh tế của những cải cách.
Từ những nhận định khách quan và đầy sức lan toả phía báo giới, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong các sự kiện tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long…
Trong các cuộc làm việc và tiếp xúc song phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã rất sâu sắc thể hiện vị thế của Việt Nam bằng việc khẳng định các quốc gia đối tác là bạn, là đối tác toàn diện với sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị, đồng thời bày tỏ mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam và các đối tác đang phát triển thực chất và hiệu quả.
Một sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới trong nước và quốc tế, đó là khi phát biểu chào mừng tại Tiệc chiêu đãi các thành viên tham dự APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dẫn câu "Anh em bốn bể là nhà" để nói về sự hợp tác giữa các thành viên.
Ông nói, từ một nơi từng là chiến trường, sau mấy chục năm qua, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành cái nôi của những câu chuyện thần kỳ về phát triển kinh tế. Nền tảng của thành công đó là bởi chúng ta cùng tin tưởng vào sức mạnh của hợp tác và đối thoại.
“Hôm nay, chúng ta gặp mặt tại đây trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới và khu vực xuất hiện thêm nhiều điểm sáng. Đúng 10 năm kể từ khủng hoảng toàn cầu 2008 - 2009, kinh tế và thương mại thế giới đang phục hồi tích cực. Châu Á - Thái Bình Dương đạt tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi mức trung bình của thế giới.
Trong đó, điều đáng mừng là các nền kinh tế APEC, nhất là các nền kinh tế lớn, đang phục hồi và tăng trưởng tương đối vững chắc. Sức sống mãnh liệt và sự tự cường của nền kinh tế khu vực giống như cây tre Việt Nam luôn dẻo dai, vững vàng trước mọi phong ba bão táp. Thực tế đó càng thôi thúc chúng ta cùng nhau hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm hoàn thành các mục tiêu Bogor và xác định hướng đi chiến lược cho APEC trong thời gian tới".
Những câu nói đầy nhân văn và ý nghĩa của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thu hút sự chú ý của các thành viên tham dự APEC. Sâu xa hơn, qua hình ảnh ví von của Chủ tịch nước, người ta nhìn thấy một Việt Nam đầy nội lực và quyết tâm. Và Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng được truyền thông quốc tế lớn đánh giá đã nắm bắt cơ hội để đưa vị thế Việt Nam đến với thế giới. Những thông điệp của Chủ tịch nước đã được truyền đi trong sự đón nhận và quan tâm của rất nhiều quốc gia.
Sự chân thành, thẳng thắn, tình cảm, đón tiếp trọng thị, chu đáo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cũng như sự nồng nhiệt, thiện cảm của người dân Việt Nam đã chạm tới trái tim các vị nguyên thủ các nước thành viên APEC.
Có thể khẳng định, với cương vị Chủ tịch của nước chủ nhà, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hoàn thành xuất sắc trọng trách đại diện cho đất nước đón tiếp, chủ trì các cuộc họp quan trọng nhất, bàn thảo chân tình, thẳng thắn về những vấn đề lớn của APEC với những người đứng đầu các quốc gia thành viên APEC, trong đó có những nước được mệnh danh là “siêu cường" của thế giới. Thành công tốt đẹp về nhiều phương diện của APEC 2017 với sự chủ trì của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã làm rạng rỡ Việt Nam.
Cũng chính vì điều đó mà đến Việt Nam lần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump phải thốt lên, Việt Nam là một trong những điều kỳ diệu trên thế giới, một đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh.
Người đàn ông quyền lực này cũng bày tỏ mong muốn có thêm nhiều dịp được gặp lại Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông khẳng định, không niềm vui nào có thể sánh được với sự phát triển của quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam hiện nay.
Đến với sư kiện APEC 2017, Tổng thống Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria cũng nhận định, Việt Nam luôn cho thấy khả năng tổ chức tuyệt vời không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn cả về chất lượng các chương trình và chất lượng đại biểu. Đây là một trong những thành công lớn, cho thấy sự quan tâm đến APEC, đến Việt Nam cũng như khả năng tổ chức của nước chủ nhà.
“Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc thực thi các nội dung quan trọng và trong vấn đề này, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với Việt Nam về những ưu tiên trong Chương trình nghị sự của Năm APEC 2017″, Tổng thống Michelle Bachelet Jeria nhận định với TTXVN.
Riêng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả của siêu bão Damrey trong lúc chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC. “Bên cạnh việc chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC và đón tiếp khách mời, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn và dọn dẹp sau bão”, ông Lý Hiển Long chia sẻ trên mạng Facebook ngay sau khi đến TP Đà Nẵng.
Giai đoạn cận kề Tuần lễ Cấp cao APEC, bão lũ đã khiến Đà Nẵng thiệt hại và hư hỏng nặng nề, nhưng thành công rực rỡ của APEC 2017 đã cho thấy sự nỗ lực vô cùng lớn của Chính phủ, của TP Đà Nẵng.
Chẳng vì thế mà báo chí nước ngoài, bên cạnh việc phân tích những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Việt Nam, còn ca ngợi sự chu đáo, chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm của nước chủ nhà.
Video: Những khoảnh khắc ấn tượng nhất APEC 2017
Bình luận