Ông Wayne Barford, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế (ITIC), cho rằng, có một số nguyên tắc trong thực hành thuế là phải đảm bảo tính đơn giản, nhất quán, minh bạch. Trước khi áp dụng các chính sách thuế mới, chính phủ cần phối hợp và tham vấn các đơn vị, tổ chức liên quan và cả ngành công nghiệp để tiếp thu những ý kiến phản hồi và đánh giá nhằm đưa ra chính sách thuế phù hợp.
Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần tránh tình trạng tăng thuế một cách đột ngột, duy trì mức thuế suất tương xứng với khả năng chi trả và tạo văn hóa nộp thuế.
Về việc các nước áp dụng các loại thuế như thuế tài sản và thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Wayne cho hay, ở Úc, không có thuế tài sản được áp dụng trên toàn nước mà thuế suất được quy định theo từng bang tùy theo điều kiện thực tế, và người dân sẽ không bị đánh thuế nếu chỉ sở hữu một ngôi nhà để ở.
Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có đề xuất của Bộ Tài chính về đánh thuế với nước ngọt để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ông Wayne cho hay, đã nghiên cứu quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt ở nhiều quốc gia nhưng chưa có nước nào trên thế giới có thể giảm tỉ lệ béo phì nhờ chính sách thuế này.
“Tôi có thể đảm bảo rằng ban hành sắc thuế này không phải là một thông lệ quốc tế. Trên thực tế, nhiều quốc gia không áp dụng hoặc phản đối sắc thuế này do các tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Một số quốc gia đã từng ban hành sắc thuế này nhưng sau đó đã bãi bỏ bởi tính phức tạp của sắc thuế và không đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra”, ông Wayne nói.
Các chuyên gia quốc tế dự hội thảo cũng cho rằng, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng các chương trình giáo dục nhận thức thì đạt được hiệu quả tốt hơn là đánh thuế. Như tại Singapore và Nhật Bản, chính phủ khuyến khích chia sẻ các thông tin giáo dục cộng đồng và sử dụng các công cụ liên quan đến thương mại như cung cấp các chỉ dẫn hoặc dán nhãn mác về thành phần của các sản phẩm.
Về việc triển khai xây dựng các loại thuế tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, muốn có một văn bản pháp quy tốt, có tính khả thi thì ý kiến đóng góp của cộng đồng có các chuyên gia kinh tế của doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và kể cả cơ quan soạn thảo rất quan trọng.
Theo bà Cúc, các sắc thuế mà Bộ Tài chính đang muốn chỉnh sửa, mỗi sắc thuế đều tác động đến một nhóm các đối tượng theo các mức độ khác nhau. Trong những sắc thuế này, nên xác định rõ có nên ưu tiên sắc thuế nào và không nên ưu tiên sắc thuế nào.
Với đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, theo bà Cúc, trước khi áp dụng cần đưa ra những căn cứ hợp lý liên quan đến việc đánh thuế. Cùng đó là có các quy định cụ thể đối với ngành bia rượu, nước giải khát như rượu, độ cồn bao nhiêu thì thuế suất bao nhiêu và với nước ngọt thì thực hiện như thế nào.
Trong bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính góp ý về việc sửa đổi, đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10% mới đây, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc bảo vệ sức khỏe người dân trước những tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì là hợp lý.
Video: Vì sao đề xuất nước ngọt chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?
Tuy nhiên, theo VCCI, hiện chưa có đánh giá cụ thể hơn về việc, liệu đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt sẽ giúp làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam bao nhiêu. Đây là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, với mức thuế 10% như đề xuất của Bộ Tài chính, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, các doanh nghiệp mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể cả những doanh nghiệp, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả ngành sữa cũng bị ảnh hưởng.
Bình luận