• Zalo

Áp lực khủng khiếp trong những lò luyện thi ở Ấn Độ

Giáo dụcThứ Ba, 14/06/2016 06:30:00 +07:00Google News

Cuối tháng 4, một cô gái 17 tuổi tên Kriti Tripathi tìm đến cái chết ở Kota, Ấn Độ ngay sau khi vượt qua kỳ thi vào Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) danh giá.

Singh là học sinh thứ 9 ở Kota tự tử trong năm nay và là ca tự tử thứ 56 trong 5 năm qua. Tất cả các em đều từng tham dự “các lò luyện của Kota” – nơi có mục đích duy nhất là chuẩn bị cho học sinh trung học bước vào Kỳ thi Tuyển sinh IIT (JEE).

Một lò luyện thi ở Ấn Độ 

Trong bản di chúc dài 5 trang để lại, Tripathi thể hiện sự thất vọng của mình vì buộc phải học ngành kỹ thuật, trong khi ước muốn thực sự của em là trở thành một nhà khoa học NASA. Cô gái 17 tuổi cũng nói rõ những áp lực mà mình phải đối mặt tại lò luyện thi này.

Tripathi đã van lài Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực hãy đóng cửa các cơ sở luyện thi – những nơi đang buộc học sinh phải trải qua tâm lý căng thẳng đến mức ngộp thở. Câu chuyện này đã trở nên quá quen thuộc, nhưng những lời buộc tội có nên đổ hết cho các lò luyện hay không?

Thực tế, các lò luyện của Kota là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn, từng được ám chỉ bởi quản lý cao cấp của thành phố - Ravi Kumar Surpur trong một bức thư nhiều cảm xúc mà ông đã viết sau khi xảy ra những trường hợp tự tử mới nhất. Ông Surpur thẳng thắn khuyên các bậc phụ huynh không nên đè nặng áp lực lên con cái và bắt chúng sống giấc mơ của mình.

Phụ huynh Ấn Độ nổi tiếng là những người kỳ vọng cao ở con cái. Họ cho rằng bằng cấp giống như một chiếc hộ chiếu để đảm bảo cho việc bước chân vào tầng lớp cao hơn về mặt kinh tế và địa vị xã hội. Vì thế, họ ép buộc con cái phải có bằng cấp – thứ mà ở hệ thống giáo dục đại học của Ấn Độ không phải là dễ dàng. Do định kiến đã ăn sâu này nên cuộc điều tra hành chính dự kiến tìm hiểu các điều kiện ở các lò luyện Kota nhiều khả năng không mang lại hiệu quả.

Rõ ràng văn hóa này sẽ ảnh hưởng tới người trẻ. Học sinh buộc phải vượt qua những kỳ thi khó khăn – chỉ khoảng 10.000/500.000 tham gia IIT-JEE mỗi năm đạt được số điểm đủ để đỗ - trong các môn học mà họ thường ghét cay ghét đắng. Và học sinh Ấn Độ thì thường có xu hướng ép buộc bản thân cho tới khi không thể chịu đựng được nữa, hơn là buông bỏ.

Kỹ thuật và y học vẫn là những môn học được nhiều phụ huynh trung lưu nước này ưa chuộng. Mỗi năm, Ấn Độ cho ra lò khoảng nửa triệu kỹ sư, khoảng 80% trong số đó cuối cùng lại làm trái nghề. Vào khoảng giữa thế kỷ 20, phụ huynh Ấn Độ xem kỹ thuật là cửa ngõ để tiến bước tới sự hiện đại và cho đến giờ họ vẫn muốn con cái theo học lĩnh vực này.

Ít nhất cũng có đủ các trường kỹ thuật ở Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu người dân. Ngược lại, ngành y lại là một lĩnh vực cung không đủ cầu.

Ngành Y của Ấn Độ chịu sự kiểm soát của Hội đồng y tế Ấn Độ (MCI). Các trường y đều phải được công nhận bởi MCI, trong đó mỗi trường chỉ được phép nhận 381 sinh viên. Mỗi năm, chỉ có 63.800 suất học ngành y ở đất nước 1,2 tỷ dân – nghĩa là chưa đến 1% dân số nước này được học ngành y.

Chưa hết, một số suất còn được ưu tiên cho con cái của những người có địa vị và có tiềm lực kinh tế trong xã hội. Trong khi, những học sinh đạt thành tích cao phải theo đuổi những lĩnh vực khác.

Những gia đình có điều kiện thường cho con cái học y ở nước ngoài. Nhiều em không trở về nước, gây chảy máu chất xám. Một số trở về sau khi học ở Georgia hay Trung Quốc thì bị MCI từ chối công nhận bằng cấp và họ không được phép hành nghề. Với những học sinh không đủ điều kiện đi du học, thậm chí dù rất sáng dạ, thì học y không còn là lựa chọn của họ.

Tuy nhiên, Ấn Độ đang vô cùng thiếu bác sĩ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nước này đang có 0,7 bác sĩ trên 1.000 dân. Ở Mỹ và Anh – hai quốc gia mà các bác sĩ Ấn Độ thường di cư, tỷ lệ này là 2,5/1.000 dân và 2,8/1.000 dân. Việc thiếu đội ngũ y bác sĩ trầm trọng này đồng nghĩa với việc tính mạng của người dân bị ảnh hưởng hằng ngày, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.

Ấn Độ hoàn toàn có thể đào tạo số lượng y bác sĩ gấp 4-5 lần. Tuy nhiên, MCI được phép theo đuổi phương pháp hạn chế của riêng mình, lấy đi cơ hội chăm sóc y tế đầy đủ của những người dân nghèo nước này, trong khi làm tăng áp lực vốn đã lớn lên những sinh viên đã giành suất học ở các trường y.

Chính trong bối cảnh này, các lò luyện như ở Kota ngày càng phát triển mạnh. Khi việc thành công trong các kỳ thi tuyển sinh ngặt nghèo là cách duy nhất để hoàn thành mục tiêu giáo dục của một người thì việc ôn luyện trở thành tất cả mọi thứ của việc học hành. Muốn chiều lòng các bậc phụ huynh kỳ vọng cao, các em phải hi sinh những sở thích riêng của mình. 56 trường hợp tự tử trong 5 năm qua ở Kota là một minh chứng bi thảm cho định nghĩa thành tích xuất sắc của phụ huynh Ấn Độ.

Bài viết của tác giả Shashi Tharoor – hiện đang là nghị sĩ Quốc hội Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề đối ngoại.

Nguyễn Thảo(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn