• Zalo

Áp lực di cư: Châu Âu rơi vào khủng hoảng kép?

Tư liệuThứ Hai, 28/11/2022 16:29:33 +07:00Google News
(VTC News) -

Vốn là bài toán khó đeo đẳng châu Âu nhiều năm, cuộc khủng hoảng di cư nóng trở lại và những căng thẳng mới trong khu vực bùng phát.

Vấn đề người di cư lại “nóng” trở lại tại châu Âu

Vấn đề người di cư đang quay trở lại trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này tương đối khác so với cuộc khủng hoảng tị nạn giai đoạn 2015-2016. Khác biệt đầu tiên là về quy mô.

Theo các số liệu do Cơ quan quản lý biên giới của Liên minh châu Âu – Frontex công bố, trong 10 tháng của năm 2022, các nước EU đã đón nhận khoảng 280 ngàn người di cư, tăng khoảng 77% so với năm 2021 và là số lượng người di cư lớn nhất mà châu Âu phải xử lý kể từ năm 2016. Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ là một phần nhỏ so với con số hơn 1,3 triệu người tị nạn đổ về châu Âu chỉ riêng trong năm 2015.

Áp lực di cư: Châu Âu rơi vào khủng hoảng kép? - 1

Người di cư tập trung tại một trại tị nạn ở Italy. (Ảnh: Stampa)

Tất nhiên ở đây cần tách hoàn toàn dòng người tị nạn từ Ukraine sang một bên, bởi hơn 7,6 triệu người tị nạn Ukraine đổ sang châu Âu từ đầu năm 2022 do xung đột Nga-Ukraine được các nước EU tiếp nhận và xử lý bằng một quy trình khác hẳn, được ưu ái và thuận lợi hơn rất nhiều so với người tị nạn hay di cư từ các nơi khác trên thế giới. Con số 280.000 người di cư đang đề cập ở đây là những người đến từ Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á, bao gồm cả tị nạn chiến tranh lẫn tị nạn kinh tế.

Khác biệt thứ hai là về nguyên nhân. Năm 2015, làn sóng tị nạn đổ về châu Âu có một nguyên nhân lớn là từ cuộc chiến tại Syria khiến hàng triệu người dân nước này phải rời bỏ quê hương, cộng thêm đó là sự đổ vỡ của nhiều thiết chế nhà nước ở Trung Đông- Bắc Phi như Lybia khiến các khu vực láng giềng của châu Âu ở khu vực phía Nam và Địa Trung Hải gần như rơi vào tình trạng không kiểm soát, tạo cơ hội cho các nhóm buôn người ở châu Phi dồn người về đó để đưa sang châu Âu.

Về tổng thể giới nghiên cứu hiện vẫn gọi khủng hoảng tị nạn 2015 ở châu Âu là “khủng hoảng tị nạn Syria”. Tuy nhiên, làn sóng di cư trong năm 2022 không xuất phát từ một biến cố địa chính trị đặc biệt nào tại Trung Đông hay Bắc Phi. Giới phân tích tại châu Âu cho rằng làn sóng di cư mới về châu Âu hiện nay chủ yếu do nhu cầu kinh tế cấp bách hơn sau đại dịch Covid-19 cũng như bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay trên thế giới, đồng thời được tiếp sức bởi việc nới lỏng một số quy định đi lại tại châu Âu, đặc biệt là tại một số điểm trung chuyển vào châu Âu. Khác với năm 2015-2016 khi nút thắt của làn sóng tị nạn đổ về châu Âu là ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong làn sóng di cư hiện nay, tâm điểm là một số nước láng giềng châu Âu ở khu vực Balkan,đặc biệt là Serbia.

“Con đường Balkan” hiện là nơi trung chuyển chính dòng người di cư đổ về châu Âu, chiếm đến 46% trong tổng số 280.000 người di cư đến châu Âu từ đầu năm. Lí do chính do phía châu Âu đưa ra là Serbia đã nới lỏng quy định nhập cảnh, khiến nhiều công dân các nước châu Phi được nhập cảnh mà không cần thị thực và một lượng lớn trong số này đã đổ về Serbia để tìm cách vượt qua biên giới với Croatia và Hungary xâm nhập vào Liên minh châu Âu.

“Gánh nặng” cho các chính phủ trong việc giải quyết bài toán người nhập cư

Sự kiện về nhập cư gây tranh cãi nhất tại châu Âu trong tháng 11/2022 và cũng là khởi điểm khiến Pháp yêu cầu Liên minh châu Âu họp khẩn về chính sách di cư là việc nước Pháp phải tiếp nhận con tàu chở người di cư mang tên “Ocean Viking”. Con tàu này cứu hộ 234 người di cư từ châu Phi và Trung Đông trên biển Địa Trung Hải nhưng đã phải lang thang trên biển suốt 3 tuần mà không được Italia cho phép cập bến dù khi đó con tàu này đang trên vùng biển Italia.

Ngày 11/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì lí do nhân đạo đã chấp nhận cho tàu “Ocean Viking” cập cảng Toulon ở miền Nam nước Pháp và tiến hành sàng lọc, phân loại những người xin tị nạn. Sự kiện này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn giữa Pháp và Italia khi Pháp chỉ trích Italia đã không tuân thủ các điều ước quốc tế về cứu nạn trên biển cũng như các chính sách về di cư của Liên minh châu Âu.

Pháp sau đó đã yêu cầu EU họp gấp để thiết lập chính sách phối hợp chung nhằm tránh lặp lại kịch bản con tàu “Ocean Viking”. Điều đáng nói là về mặt đối nội, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ các đảng phái về cách xử lý sự cố này. Đa số cho rằng nước Pháp không thể tạo ra một tiền lệ có thể bị các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các nhóm buôn người lợi dụng. Ông Macron cũng bị cho là đã không đủ cứng rắn với tân Thủ tướng Italia, bà Giorgia Meloni và nước Pháp phải một mình xử lý một sự cố mà đúng ra phải do Italia hoặc toàn bộ Liên minh châu Âu chung tay giải quyết. 

Trên thực tế, sau khủng hoảng tị nạn 2015, vấn đề di cư, tị nạn là một chủ đề gai góc mà gần như tất cả các nước EU đều muốn né tránh. Ở châu Âu hiện nay không còn một quốc gia nào tuyên bố sẵn sàng mở cửa biên giới đón người tị nạn giống như chính phủ của bà Angela Merkel tại Đức năm 2015 bởi ngoài vấn đề gánh nặng kinh tế, an sinh xã hội, văn hoá… chủ đề nhập cư đã bị chính trị hoá cao độ bởi các đảng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa. Bà Giorgia Meloni của đảng có nguồn gốc phát xít trở thành Thủ tướng Italia phần lớn nhờ các khẩu hiệu chống nhập cư, coi Italia là trên hết và là của riêng người Italia.

Tại Thuỵ Điển, đảng cực hữu Dân chủ Thuỵ Điển (SD) cũng thắng vì nhờ các tư tưởng bài ngoại tương tự. Riêng tại Pháp, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 67% người dân Pháp muốn chính phủ Pháp có các chính sách cứng rắn hơn về nhập cư, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và liên tiếp xảy ra các vụ phạm tội do người nhập cư bất hợp pháp gây ra. 

Giải pháp cho làn sóng người nhập cư mới 

Tháng 6/2022, từ đề xuất của Pháp, các nước EU đã thống nhất được một cơ chế có tên gọi là “Cơ chế đoàn kết tự nguyện”, theo đó khoảng 10 nước châu Âu đã đồng ý tiếp nhận mỗi năm khoảng 10 ngàn người tị nạn từ các nước EU giáp Địa Trung Hải như Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha… nhằm giảm tải gánh nặng cho các quốc gia này.

Tuy nhiên, cơ chế này rõ ràng không hiệu quả bởi chỉ là tự nguyện, không có tính ràng buộc nên một quốc gia đã đồng ý vẫn có thể rút lại cam kết, giống như việc Pháp quyết định tạm ngưng thực hiện cơ chế này sau khi xảy ra sự cố tàu “Ocean Viking” với Italia dù theo cam kết ban đầu mỗi năm Pháp sẽ nhận khoảng 3500 người tị nạn từ Italia hay Hy Lạp. Điều quan trọng hơn, đó là số lượng phân bổ dựa trên cơ chế tự nguyện này - 10.000 người -  cũng là quá ít do với hàng trăm ngàn người di cư đổ về các nước EU giáp Địa Trung Hải nên chính phủ các nước Italia hay Hy Lạp ngày càng thực thi các chính sách cấm đoán cực đoan hơn. Tương tự, trên biên giới đất liền, cảnh sát Croatia hay Hungary sẵn sàng sử dụng bạo lực để ngăn dòng người di cư từ “Con đường Balkan”.

Trước tình trạng bế tắc và phối hợp lỏng lẻo như hiện nay, Uỷ ban châu Âu tuần trước đã đưa ra Kế hoạch hành động khẩn cấp bao gồm 20 biện pháp, trong đó trọng tâm là tăng cường phối hợp với các nước như Tunisia, Lybia, Ai Cập để kiểm soát ngay từ đầu nguồn các dòng người di cư, ngăn chặn và triệt phá các đường dây đưa người vượt biên trái phép cũng như đẩy nhanh thủ tục trục xuất người di cư về lại nơi xuất phát.

Một giải pháp tiếp theo mà các nước EU đưa ra là xây dựng cơ chế trao đổi thông tin và phối hợp chặt hơn với các tổ chức phi chính phủ (NGO) thực hiện việc cứu nạn trên biển. Hiện đang có nhiều chỉ trích từ các nước châu Âu rằng nhiều NGO câu kết với các nhóm buôn người để đưa người di cư sang châu Âu dưới danh nghĩa cứu nạn nên các nước cần kiểm soát hoạt động của các con tàu của các NGO trên vùng biển nước mình và phải có quyền yêu cầu các con tàu cứu nạn đưa người di cư trở về nơi xuất phát, tức ở Bắc Phi hay Trung Đông, chứ không phải về lãnh thổ châu Âu.

Nhìn chung, các căng thẳng về di cư hiện nay tại châu Âu chưa thể so sánh với khủng hoảng tị nạn 2015 nhưng châu Âu đã có một bài học quá lớn nên hết sức lo lắng và thận trọng. Ngoài ra, châu Âu cũng đang âm thầm chuẩn bị kịch bản ứng phó với một làn sóng mới hàng triệu người Ukraine có thể đổ sang châu Âu tị nạn ngay trong những tuần tới khi xung đột ở Ukraine ngày càng khốc liệt, cơ sở hạ tầng năng lượng ở nước này bị phá huỷ khiến nhiều người không thể chống chọi được với mùa Đông khắc nghiệt ở Ukraine.

Quang Dũng(VOV-Paris)
Bình luận
vtcnews.vn