Tại một ga tàu lửa bên trong thành phố Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc), một nhóm cảnh sát sử dụng kính Google Glass và phần mềm nhận dạng khuôn mặt chuyên dụng để "quét" toàn bộ đám đông, phát hiện ngay lập tức những tên tội phạm nằm trong danh sách truy nã, cũng như theo dõi những kẻ nghi vấn.
Đây là nhóm cảnh sát đầu tiên, khởi đầu cho làn sóng trang bị kính thông minh cho phục vụ trị an, một phần trong việc đảm bảo an ninh dịp Tết 2018.
Đây cũng là ví dụ mới nhất về cách Trung Quốc "đi trước thế giới" bằng cách áp dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt trong tất cả các lĩnh vực, từ đó biến công nghệ này trở thành một phần của đời sống người dân.
Trung Quốc những năm gần đây đã bắt đầu áp dụng hệ thống sinh trắc phức tạp, có thể nhận dạng dựa trên các hình ảnh kỹ thuật số được gửi về từ camera công cộng hoặc có sẵn trong cơ sở dữ liệu.
Chúng đã được áp dụng rộng rãi cho mục đích an ninh, phát hiện tội phạm, thậm chí là những người sắp có hành động nghi vấn.
Video: Có công nghệ này, trộm xe máy chỉ còn nước 'thất nghiệp'
Trở lại với nhóm cảnh sát được trang bị kính thông minh, thông qua hệ thống nhận dạng có sẵn, việc xác minh thông tin người dân cũng như nghi phạm mất khoảng hai đến ba phút, với khoảng cách 5 mét. Thông tin sau đó được truyền đến smartphone của cảnh sát (kết nối với kính), sau đó gửi về máy chủ từ xa.
"Theo tôi, việc dùng kính thông minh là bước đột phá trong vấn đề đảm bảo an ninh, từ đó giảm tải cho lực lượng cảnh sát, từng bước chuyển đổi từ sử dụng nhân lực sang công nghệ", Xie Yukun, một sĩ quan cảnh sát Trịnh Châu, cho biết.
Việc sử dụng kính thông minh không chỉ giúp cảnh sát quản lý khu vực tốt hơn, mà còn tránh phiền hà cho người dân bởi khoảng cách hoạt động khá xa, không cần phải hỏi trực tiếp. Theo South China Morning Post, có khoảng 3 tỷ lượt người di chuyển đến các khu vực ga tàu trong vòng 6 tuần trước và sau dịp Tết Nguyên đán Trung Quốc, do đó việc kiểm soát bằng sức người gần như là không thể.
"Chúng tôi không cần xem thẻ căn cước, không cần liên lạc, không mời về đồn nhưng vẫn biết được thông tin của họ. Chỉ cần nắm được ít nhất 70% khuôn mặt, mọi thứ về người đó xuất hiện trên kính sau khoảng 2 phút", Yukun nói.
Kể từ khi áp dụng kính thông minh, cảnh sát Trịnh Châu đã bắt được 7 người có nghi ngờ dính đến giết người, buôn người và các hành vi phạm tội nguy hiểm khác. Mặc dù có những lo ngại về bảo mật cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư nhưng sáng kiến trên đang được chính quyền Trung Quốc cân nhắc nhân rộng.
Vào năm 2015, Bộ Công an Trung Quốc đã đưa vào hệ thống nhận diện khuôn mặt, có thể phát hiện ra công dân bất kỳ trong số 1,3 tỷ dân với độ chính xác lên đến 90% trong khoảng 3 giây. Hệ thống phát triển bởi công ty bảo mật có trụ sở tại Thượng Hải, giúp cảnh sát kiểm soát an ninh tốt hơn.
Không chỉ dành cho cảnh sát, nhận dạng khuôn mặt cũng được ứng dụng vào các lĩnh vực khác. Alibaba, Ant Financial (đều thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma) và Tập đoàn Shanghai Shentong Metro đã bắt đầu áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt từ xa để bán vé tàu điện ngầm mà không cần vào quầy, hay các hệ thống nhận dạng khuôn mặt tại lối vào công ty để xác nhận danh tính người đi làm.
Xiaozhu, một dịch vụ thuê phòng tương tự Airbnb, sẽ triển khai đặt phòng nhanh cho khách hàng bằng cách quét khuôn mặt của họ để lấy thông tin. Việc còn lại chỉ là xác nhận của khách và thời gian thực hiện chỉ mất vài phút.
Ngoài ra, hệ thống nhận dạng khuôn mặt sẽ có mặt rộng khắp đối với các dịch vụ khác, như vận tải, tài chính phương tiện truyền thông xã hội và chăm sóc sức khoẻ... Không ít công ty đã bắt đầu xây dựng hệ thống nhận dạng khuôn mặt chuyên nghiệp.
Các chuyên gia dự đoán rằng, trong khoảng vài năm tới, công nghệ này sẽ phổ biến rộng khắp và người dân cũng không cảm thấy phiền nếu mình bị "quét" khuôn mặt mỗi ngày, thậm chí là bất kỳ khi nào.
Bình luận