Nếu không ngăn chặn được làn sóng tiêu tiền như nước, bóng đá Trung Quốc chắc chắn sẽ sụp đổ trong thời gian ngắn. Điều này được chính Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) Trần Tuất Nguyên thừa nhận trong cuộc phỏng vấn mới đây.
"Nếu không có quy định giới hạn tiền lương, bóng đá Trung Quốc sẽ sụp đổ trong hai hoặc ba năm", người đứng đầu CFA phát biểu. Tuyên bố này một lần nữa khẳng định quyết tâm của cơ quan quản lý bóng đá Trung Quốc trong việc chống lại làn sóng "bóng đá kim tiền".
Đầu năm nay, CFA tiếp tục thắt chặt hơn quy định về tài chính đối với các đội bóng chuyên nghiệp. Mức lương tối đa dành cho các cầu thủ bị hạ xuống. Hành động này tiếp nối những biện pháp mạnh tay trong những năm gần đây nhằm ngăn chặn làn sóng tiêu tiền vô tội vạ của các CLB.
"Chúng tôi giới hạn mức lương để ngăn chặn bong bóng. Sau khi có quy định này, lương cầu thủ Trung Quốc vẫn thuộc dạng cao ở châu Á. Tôi tin rằng Trung Quốc vẫn thu hút được những cầu thủ trình độ cao, chỉ là chúng tôi ngăn những cầu thủ nước ngoài có giá quá cao đến đây", Chủ tịch CFA Trần Tuất Nguyên cho biết.
Giá trị của bóng đá Trung Quốc và giải vô địch quốc gia nước này (CSL) được đẩy lên rất cao trong vòng một thập kỷ, nhờ những chủ đầu tư sẵn sàng chi tiêu mạnh tay. Tuy nhiên sau nhiều năm, các nhà tổ chức nhận ra rằng đó chỉ là sự thổi phồng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
"Các đội bóng CSL chi tiêu gấp 10 lần so với các CLB K-League của Hàn Quốc, gấp 3 lần các đội Nhật Bản. Tuy nhiên, đội tuyển quốc gia của chúng tôi ngày càng tụt lại xa hơn. Trạng thái bong bóng không chỉ ảnh hưởng tới thực tại mà cả tương lai của bóng đá Trung Quốc", ông Trần Tuất Nguyên chia sẻ hồi đầu tháng 3.
Trong khoảng 5 năm gần đây, Trung Quốc luôn là điểm đến được nhắc tên trong những tin đồn chuyển nhượng của những ngôi sao lớn. Năm 2020, CLB Giang Tô thậm chí suýt chiêu mộ được Gareth Bale vì họ là đội duy nhất đủ khả năng trả lương cho ngôi sao này. Dario Conca, một tiền đạo ít tên tuổi, khi gia nhập Quảng Châu Hằng Đại đã trở thành cầu thủ hưởng lương cao thứ ba thế giới chỉ sau Lionel Messi và Cristiano Ronaldo.
Tuy nhiên, các biện pháp giới hạn về tài chính mà mới nhất là quy định mức trần lương sẽ dọn sạch những tin đồn chuyển nhượng bom tấn liên quan đến các CLB Trung Quốc. Theo quy định mới, các đội bóng Trung Quốc chỉ được trả lương cho cầu thủ nước ngoài không quá 3,5 triệu USD/năm, trong khi nội binh có giới hạn lương trước thuế là 765.000 USD/năm. Quỹ lương của mỗi đội bóng không được vượt quá 91 triệu USD, trong đó lương ngoại binh không quá 12,1 triệu USD.
Quy định giới hạn lương cầu thủ chỉ áp dụng cho trường hợp ký hợp đồng mới từ năm 2021 trở đi. Những ngôi sao quốc tế như Paulinho, Oscar, Moussa Dembele và Marouane Fellaini vẫn hưởng lương cao ngất ngưởng. Tuy nhiên sau khoảng một, hai năm nữa, khi phải gia hạn hợp đồng, các CLB buộc phải giảm lương của họ hoặc chấp nhận chia tay.
Trước đó, vào năm 2017, Hiệp hội bóng đá Trung Quốc cũng ra luật "đánh thuế" 100% đối với các thương vụ chuyển nhượng đắt giá. Theo đó, mỗi đội bóng khi mua một cầu thủ nước ngoài với giá cao hơn một con số được quy định sẵn sẽ phải đóng góp một khoản tiền tương đương như vậy vào quỹ phát triển cầu thủ trẻ.
Truyền thông và các chuyên gia Trung Quốc cũng như quốc tế đánh giá những quy định này sẽ đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên bóng đá kim tiền ở đất nước 1,4 tỷ dân. ESPN nhân định rằng các động thái của CFA đang dần hạn chế ảnh hưởng của các doanh nghiệp vung tiền chơi bóng đá nhưng cũng đẩy các đội bóng vào giai đoạn khó khăn do phải tái cơ cấu.
Những điều luật này được truyền thông Trung Quốc gọi là "bàn tay sắt". Các đội bóng không đáp ứng được điều kiện sẽ bị tước bỏ tư cách chuyên nghiệp và bị cấm tham dự mùa giải. Nhiều CLB không kịp điều chỉnh và phải chấp nhận bỏ giải, sau đó giải thể.
Bình luận