• Zalo

Áp chi phí lãi vay vượt 20%: Doanh nghiệp điêu đứng, ngành thuế vẫn 'vô cảm'?

Kinh tếThứ Hai, 20/05/2019 13:08:00 +07:00Google News

Nhiều doanh nghiệp lên tiếng về sự bất hợp lý của Nghị định 20, qua hai kỳ quyết toán thuế mà vẫn chưa nhận được phản hồi, hướng dẫn phù hợp.

Gần 2 năm nay, nhiều doanh nghiệp trong nước và chuyên gia tài chính liên tục lên tiếng phản ánh về những khó khăn do quy định khống chế trần lãi vay được nêu trong Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20/2017 - Nghị định nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

Theo quy định này, chi phí lãi vay trong kỳ của doanh nghiệp được trừ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần. Phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Mới đây, ngày 16/5, tại Diễn đàn xu hướng đầu tư bất động sản, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính khẳng định, nếu Nghị định 20 chưa phù hợp với một số đối tượng thì cần phải điều chỉnh.

Theo ông Phụng, quy định chỉ tiêu lợi nhuận lãi vay khi vay vốn là một trong những giải pháp để đảm bảo người vốn ít cũng như vốn nhiều có công bằng khi vào cùng thị trường, làm một dự án. Ông thừa nhận thời gian qua nhiều doanh nghiệp trong nước kêu khó với quy định này.

"Tôi đồng tình cần xem xét, điều chỉnh như doanh nghiệp phản ánh nhưng cũng phải có những số liệu cụ thể để chứng minh. Ví dụ vốn thực bao nhiêu, áp dụng mức khống chế 20% ảnh hưởng như thế nào, đồng thời sẵn sàng công khai minh bạch các con số này?... Nghị định trái luật thì sẽ bị “tuýt còi” nên không có chuyện văn bản trái luật. Chỉ có vấn đề là chưa phù hợp với một số đối tượng thì sẽ phải xem xét lại”, ông Phụng nói.

Tại sao nói bất hợp lý?

Từ khi quy định áp trần chi phí lãi vay 20% được áp dụng, các doanh nghiệp trong nước, giới chuyên gia tài chính và nghiên cứu luật nhiều lần bày tỏ quan điểm không đồng tình, cho rằng còn bất cập và gia tăng gánh nặng tài chính cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ý kiến phản đối tập trung vào 3 điểm bất hợp lý của Nghị định 20.

vicem

 Tổng công ty Xi măng Việt Nam cùng các doanh nghiệp lớn như EVN, TKV, Lilama..  cho biết đang lúng túng khi thực hiện vì quy định này có thể khiến họ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Thứ nhất, việc ban hành Nghị định 20 trong đó đưa thêm những quy định mới không có trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (về việc chi phí được trừ - cụ thể, việc quy định khống chế chi phí được trừ đối với lãi vay không vượt quá 20% lợi nhuận trước chi phí lãi, khấu hao áp dụng cho toàn bộ các khoản vay - từ bên liên kết và bên độc lập, ngân hàng thương mại) là chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13.

Thứ nữa, việc áp dụng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay cố định như quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 20 là chưa cân nhắc hết các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế và các Quốc gia có nền kinh tế phát triển (G20) (BEPS); chưa xem xét toàn diện đặt trong mối tương quan đồng bộ với các điều kiện, quy định, giải pháp khác và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Ngoài ra, khi ban hành Nghị định 20 cũng chưa có đánh giá toàn diện tác động của quy định trên đến môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cuối cùng, tính hợp lý và hệ quả từ việc áp dụng quy định tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 20 thế nào?

Theo đó, mục tiêu ban đầu của quy định này là nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng tập đoàn đa quốc gia) tại quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp.

Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia thì đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn, như vậy là hoàn toàn trái với mục tiêu ban đầu khi ban hành Nghị định.

Bên cạnh đó, trong nền kinh tế hiện nay thì việc hình thành mô hình các công ty holding (hay còn gọi là công ty quản lý vốn) trong mô hình kinh tế tập đoàn là xu thế tất yếu trong kinh doanh để hỗ trợ về vốn cho các công ty thành viên khi mới thành lập và chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay.

Theo đó, việc áp dụng quy định này vô tình cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước, làm suy yếu sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến các doanh nghiệp nội thường “thua ngay trên sân nhà” khi tham gia các dự án có quy mô vốn lớn tại Việt Nam phải thực hiện đấu thầu quốc tế.

Bên cạnh đó, quy định khống chế lãi tiền vay được trừ thu nhập chịu thuế tại Nghị định này còn phát sinh việc đánh thuế trùng đối với cùng một giao dịch kinh doanh – lãi tiền vay (bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, bên đi vay phải nộp thuế đối với phần chi phí tiền vay vượt mức khống chế).

Mặt khác, trong việc tuân thủ pháp luật thì không chỉ có các doanh nghiệp mà các cơ quan thi hành pháp luật.

Như vậy, quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20 có thể dẫn tới nhiều bất cập, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhưng cũng đồng thời làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh quốc tế.

Ngành thuế trả lời thế nào?

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp - tập đoàn lớn như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem)… phản ứng với quy định này của Nghị định 20.

Tuy nhiên, qua hai kỳ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp bị tác động bởi quy định này vẫn chưa nhận được sự phản hồi, hướng dẫn phù hợp của các cơ quan có thẩm quyền. Hoặc có trả lời cũng rất chung chung, kiểu “đá bóng lên trời”.

Đơn cử, ngày 18/10, trong công văn trả lời kiến nghị của Lilama liên quan một số nội dung của Nghị định 20/2017 và Thông tư 41/2017 hướng dẫn một số điều của Nghị định 20, Tổng cục Thuế cũng chỉ trả lời chung chung: “Tổng mức chi phí lãi vay của người nộp thuế được trừ theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 được tính trên tống chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ, không phân biệt lãi vay phát sinh với bên liên kết hay độc lập”.

Điều này đã gây hoang mang trong cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Theo bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, quy định khống chế chi phí lãi vay được Việt Nam tham khảo và áp dụng theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) và Diễn đàn hợp tác triển khai chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

Tuy nhiên, bà Hương Vũ cũng nhấn mạnh rằng các quy định trong OECD chỉ cung cấp các hướng dẫn chung để các quốc gia có thể áp dụng tùy theo điều kiện và bối cảnh riêng.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ - con thường phát sinh các giao dịch cho vay theo mô hình công ty mẹ đi vay và cho công ty con vay lại. Do đó, các doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng lớn từ quy định khống chế này của Nghị định 20.

Từ đó, bà Hương Vũ khuyến nghị điều chỉnh mềm mỏng hơn để phù hợp cho nhiều trường hợp khác nhau. Ví dụ, có thể cho phép doanh nghiệp chuyển chi phí lãi vay sang kỳ sau khi chi phí lãi vay vượt mức khống chế. 

"Với tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, có thể áp dụng tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba hoặc thu nhập trước thuế (EBITDA) trên báo cáo tài chính hợp nhất, đồng thời áp dụng tỷ lệ cho từng công ty trong tập đoàn. Với các công ty mới đi vào hoạt động hoặc mới có doanh thu thì theo bà có thể áp dụng những phương pháp đặc biệt", bà Hương Vũ chia sẻ.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn