Sau 2 năm sở hữu 5 triệu yen có trong thùng loa cũ mua được, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (39 tuổi, quê Quảng Ngãi) vẫn tiếp tục công việc đã gắn bó suốt 17 năm nay ở TP.HCM. "Hồi mới nhận được số tiền lớn tôi dành làm từ thiện, giúp đỡ chị em đồng nghiệp, mua xe máy, sửa lại căn nhà cũ ở quê và cứ tiếp tục đi nhặt phế liệu vậy thôi", chị Hồng chia sẻ.
Tháng 10/2016, hơn một năm nhận được tiền, chị Hồng không đi thu mua nữa mà bỏ ra hơn trăm triệu mở vựa ve chai. Người "triệu phú" thuê căn nhà rộng trên đường Trần Văn Quang (quận Tân Bình) làm nơi tập kết phế liệu cũng như chỗ ở.
"Tôi thấy nhiều chị em ve chai bị chủ ép giá, thu nhập bấp bênh nên đứng ra thu mua với gia cao hơn một xíu. Khi ấy, ngoài thiếu kinh nghiệm, ít mối thì việc chỉ bập bõm biết viết, tính nhẩm cũng là trở ngại", chị Hồng nói.
Để rành con số, mặt chữ hơn thì chị phải nhờ cô con gái 18 tuổi dạy tập viết, làm toán mỗi tối. "Giờ tôi biết viết tốt rồi, những phép tính lớn thì dùng máy tính thôi. Mỗi ngày tôi đều tính toán nhiều đơn hàng nên cũng khá thông thạo rồi", người phụ nữ 39 tuổi chia sẻ.
Công việc một ngày của chị xoay quanh việc mua bán ve chai. Những xe hàng lớn nhỏ liên tục "cập bến" vựa. Ngoài học chữ, làm phép tính, chị Hồng còn nhờ con gái dạy cách sử dụng Internet, mạng xã hội để tiện chụp hình hóa đơn, trao đổi nhanh với các mối hàng. Chính vì thế, công việc làm ăn trở nên trôi chảy hơn nhiều.
Phụ việc cho chị có hai người cháu ở Quảng Ngãi vào làm. "Cô Hồng thấy em nghỉ học sớm nên đón vào Sài Gòn giúp cô vác hàng, phân loại ve chai. Cô trả công 3 triệu đồng mỗi tháng và lo ăn ở đầy đủ cho chúng em", Bảo (18 tuổi) cho hay.
Cô con gái lớn cũng thường xuyên cân hàng, làm hóa đơn mỗi khi mẹ đi vắng. Ngoài ra, vợ chồng chị còn cậu con trai 13 tuổi đang học gần nhà. "Năm tôi nhận tiền thì đón cả hai đứa con từ quê vào Sài Gòn ăn học. Bé lớn học hành không nổi nên nghỉ sớm, đang theo học làm tóc", chị Hồng cho biết.
Mỗi ngày, chị đều tự đi chợ, nấu nướng cho gia đình.
Cuộc sống khá hơn trước nhưng chị Hồng vẫn luôn gần gũi với những bạn ve chai, nhất là những người đồng hương. Ngoài giúp đỡ về tiền bạc, chị con thuê một căn nhà giá 6 triệu một tháng cho 10 người cùng ở, chỉ lấy mỗi người 300.000 đồng một tháng. "Mỗi khi rảnh rỗi hay vừa bán được hàng tôi lại kêu mọi người cùng qua ăn cơm cho vui", chị nói.
Giờ giải trí của "triệu phú ve chai" thường là hát karaoke. "Tôi không nghĩ mình gặp may mắn lần nữa đầu. Giờ chỉ biết cố gắng làm ăn, mong công việc được thuận lợi để nuôi con cái ăn học, giúp đỡ các chị em trong nghề đang gặp khó khăn", chị chia sẻ.
Tháng 3/2014, chị Hồng vô tình mua được chiếc loa cũ có 5 triệu yen. Trước sức ép của nhiều người đến xin tiền, chị đem giao nộp cho Công an Tân Bình nhờ thông báo tìm chủ nhân.
Sau một năm công an không xác định được chủ nhân, tháng 6/2015 chị đã nhận lại trọn vẹn 5 triệu yen, khoảng 900 triệu đồng.
Video: Tình yêu xuyên thế kỷ của vợ chồng già vớt ve chai trên sông Sài Gòn
Bình luận