Theo TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, hình tượng rồng xuất hiện trong nghệ thuật Việt rất sớm, nhưng phải đến thời Nguyễn, hình tượng rồng mới đạt đến sự phong phú tối đa về đề tài, chất liệu và hình thức biểu đạt.
Các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hình tượng rồng của thời Nguyễn đến nay vẫn bảo tồn được rất nhiều. Trên chất liệu vàng, bạc, hình rồng được điêu khắc tinh xảo lên những chiếc ấn báu của Hoàng gia hay những chiếc bình phong, trấn phong vô giá.
Hình rồng được tạc thành núm ấn với nhiều kiểu dáng sinh động nhưng uốn khúc tư thế chầu, ngồi xổm, nằm sấp, nằm ngửa…nhưng vẫn giữ được vẻ oai nghiêm. Trên bình phong, hình tượng rồng thường tạo tác thành từng đôi đối xứng kiểu rồng chầu mặt trời, chầu mặt trăng hoặc đầu rồng nhìn thẳng.
Rồng thời Nguyễn được thể hiện trên nhiều chất liệu như gỗ; đá; đắp vữa khảm sành sứ; sơn mài, sơn thếp vàng bạc, ngọc, ngà, xương, đồ pháp lam, đồ gốm sứ, đồ dệt, thêu... chất liệu nào cũng có không ít các tác phẩm xuất sắc. Rồng trở thành một đặc trưng của văn hóa Việt thời Nguyễn.
Cũng như rồng, phượng hoàng (hay phụng hoàng; phụng; phượng) là một hình tượng đặc biệt trong văn hóa Việt, cả hai cùng thuộc bộ Tứ linh, và hơn thế là một cặp đối xứng biểu trưng cho những gì tốt đẹp, cao quý nhất.
Tuy nhiên, không giống như rồng, vốn có nguồn gốc từ phương Bắc, phượng hoàng có thể là sản phẩm của dân phương Nam. Trong kiến trúc và trang trí, hình tượng phượng hoàng có sớm không kém gì rồng, thậm chí còn phổ biến và đa dạng hơn nhiều, sự chau chuốt và chất nghệ thuật cũng hơn hẳn.
Đến thời Nguyễn, các quy định trở nên chặt chẽ. Mão đại triều của hoàng hậu có gắn 9 con chim phượng bằng vàng, xiêm y cũng vậy nhưng là thêu bằng chỉ vàng, kim tuyến. Từ bậc quý phi xuống đến cung tần, tiệp dư…thì căn cứ vào thứ bậc để giảm về số lượng và mức độ trang trí.
Trong nghệ thuật thời Nguyễn, phượng hoàng vẫn gắn nhiều hơn với hình tượng nữ giới trong cung. Phượng hoàng xuất hiện có khi đơn lẻ, có khi chung trong bộ Tứ linh, trên các phù điêu trang trí tại các ô hộc, liên ba cổng, tường, mái cung điện bằng các loại chất liệu phong phú: gỗ, đá, mảnh sành sứ, đắp vôi vữa…
Có thể nói, hình tượng rồng – phượng thời Nguyễn đã được các nghệ nhân đương thời thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau. Ngoài biểu trưng cho quyền uy, hình tượng rồng – phượng còn là lời cầu mong sự trường trị, phồn thịnh của chế độ.
Từ nghệ thuật truyền thống, linh vật rồng – phượng đi vào mỹ thuật cung đình, được tối ưu hóa để mang hình ảnh quyền lực tối cao của vương quyền, nhưng đồng thời cũng là biểu trưng cho sự khai mở, cho khát vọng một xã hội thái bình, thịnh trị. Linh vật rồng – phượng thời Nguyễn để lại một di sản đồ sộ về mặt tạo hình, là biểu tượng đa chiều của văn hóa Việt Nam.
Hiện tại, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn lữu giữ khoảng 80 hiện vật là những cổ vật vô giá dùng trong đời sống sinh hoạt, lễ nghi cung đình triều Nguyễn được làm từ các chất liệu quý hiếm như: vàng, bạc, đá quý, ngọc, đồi mồi... Trong đó, có nhiều cổ vật gắn liền với hình tượng rồng - phượng.
Dưới đây là một số cổ vật vô giá thời Nguyễn có gắn với hình tượng rồng - phượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế do PV VTC News ghi nhận:
Từ ngày 7/9 - 5/12, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế diễn ra triễn lãm “Rồng - Phượng trên Bảo Vật Triều Nguyễn” nhân dịp kỷ niệm 25 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và 15 năm Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dịp này, du khách tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những cổ vật vô giá triều Nguyễn còn lưu giữ được cho đến ngày nay. Đặc biệt, du khách sẽ được nghe những thông tin ít biết về hình tượng "Rồng - Phượng" trên cổ vật văn hoá triều Nguyễn.
Video: Cận cảnh nhiều cổ vật chìm dưới biển mới được phát hiện ở Quảng Ngãi
Bình luận