• Zalo

Anh nông dân trẻ sáng chế nhiều thiết bị máy móc nông nghiệp

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 28/04/2018 07:09:00 +07:00Google News

Anh Phi Anh Đệ (41 tuổi) trú ở thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên là người đã nghiên cứu, sáng chế thành công nhiều thiết bị kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Đặt chân đến Doanh nghiệp tư nhân cơ khí nông nghiệp Thành Đạt khi Phi Anh Đệ – chủ doanh nghiệp cùng một số công nhân đang tất bật lắp đặt chiếc máy trồng mía theo đơn đặt hàng của hai doanh nghiệp ở Gia Lai và Khánh Hòa. Anh Đệ chia sẻ: “Từ một nông dân thứ thiệt, tôi khởi nghiệp cơ khí vì muốn khám phá thiết bị kỹ thuật nông nghiệp sau nhiều năm vất vả cày cuốc trên đồng đất này, mặc dù trình độ văn hóa của tôi chỉ mới hết bậc tiểu học”.

Anh Đệ chào đời tại một vùng nông thôn ở Bắc Ninh nên thời niên thiếu đã gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy. Khi vừa học xong lớp 5, Đệ theo bố mẹ vào Phú Yên mưu sinh trên vùng đất Sơn Nguyên. Hơn chục năm ở quê hương thứ hai, anh đã trải qua nhiều vất vả khi cày cuốc, trồng trọt trên đồng đất chói chang nắng lửa.

Năm 2000, anh Đệ vào TP.HCM học nghề cơ khí với mong muốn đổi mới đời sống kinh tế. Hơn 1 năm sau, anh trở về Sơn Nguyên mở tiệm cơ khí nhỏ để sửa chữa nông cụ thô sơ.

ac70aacc-01d4-4e98-9fd7-9ae691ab8bd0

 

Tình cờ một lần nhận hàn lại nông cụ cày đất bằng bò của người cùng làng và nghe lão nông than phiền nông cụ này không hiệu quả, những luống đất xới lên sau đường cày không đều, lưỡi cày không “ăn” sâu dưới đất, tốn kém nhiều công sức và lắm lúc đang cày giữa chừng thì mối hàn bị gãy khi vướng vấp rễ cây, Đệ tính đến chuyện cải tiến.

Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, Đệ không chỉ thay đổi kiểu dáng mà còn lắp đặt thêm một số chi tiết. Khi thực nghiệm trên đồng đất hiệu quả, lưỡi cày “ăn” sâu và xới đất từng luống rất đều, nhiều nông dân ở huyện Sơn Hòa tìm đến tiệm cơ khí của Đệ để mua nông cụ này với giá 420.000 đồng. Niềm vui đã thôi thúc Đệ tư duy sáng chế một số máy móc nông nghiệp khiến cho nhiều người cảm phục.

Chỉ tay về phía chiếc máy đang sản xuất cho khách hàng, Đệ tâm sự: “Cánh đồng mía Sơn Nguyên rộng lớn, đến thời điểm làm cỏ, bón phân, phun thuốc, người trồng mía phải thuê nhiều nhân công thực hiện dài ngày, tốn kém chi phí, nên tôi mày mò nghiên cứu và sáng chế chiếc máy cày ngầm “hai trong một”, vừa làm cỏ, vừa bón phân với công suất mỗi ngày 2ha và máy phun thuốc diệt cỏ mía với công suất mỗi giờ 1ha”.

Với diện tích đó, ít nhất phải thuê 50 công cuốc cỏ, bón phân thủ công và 5 công phun thuốc cỏ bằng bình xịt mang trên lưng. Ông Võ Tấn Khoa – một trong những nông dân canh tác hơn chục hec-ta mía ở xã Ea Chà Rang cho biết: “Chiếc máy cày ngầm “hai trong một” do Đệ sáng chế không chỉ gọn nhẹ, cơ động thuận lợi ở nhiều địa hình gò đồi mà còn tiết kiệm rất nhiều chi phí nhân công cuốc cỏ, bón phân như trước đây.

Không dừng lại ở đó, khi ra cánh đồng mía sau vụ thu hoạch, Phi Anh Đệ nhìn thấy nông dân đốt dọn rác mía gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ hỏa hoạn xảy ra trên các ruộng mía chưa đốn hạ nên anh cất công nghiên cứu, sáng chế thành công máy băm rác mía. Sau vài lần thử nghiệm, nhiều nông dân tận mắt nhìn thấy rác mía được máy băm nhỏ, tạo thành nguồn phân hữu cơ cho đất và chấm dứt nguy cơ hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường.

Vài tháng sau, Đệ tiếp tục nghiên cứu, sáng chế thành công máy trồng mía trước sự cảm phục của nhiều kỹ sư cơ khí nông nghiệp. Sử dụng máy trồng mía do Đệ sáng chế, tiết giảm chi phí mỗi hec-ta 2 triệu đồng, tiến độ thời gian nhanh gọn, hom mía giống cắt đến đâu được trồng và lấp ngay đến đó, độ ẩm của đất còn cao nên giống mía nảy mầm nhanh và tốt.

Thêm một bất ngờ nữa vào đầu tháng 10/2017, anh Đệ sáng chế thành công máy thu hoạch mía có công suất mỗi giờ 60 tấn thay cho 20 công lao động mỗi ngày. Ưu điểm nổi bật là máy cắt mía tận gốc, vận hành theo dây chuyền tự động khép kín từ công đoạn cắt, cuốn, băm cây mía thành đoạn ngắn rồi chuyển nguyên liệu sang xe tải vận hành kế bên.

Đặc biệt linh kiện kỹ thuật của máy dễ sửa chữa, thay thế với chi phí thấp, không như những chiếc máy nhập ngoại có cùng công năng. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Bình Định…mua nhiều sản phẩm cơ khí nông nghiệp thương hiệu Thành Đạt để phục vụ sản xuất hiệu quả trên những cánh đồng chuyên canh cây mía.

Những chiếc máy do Phi Anh Đệ sáng chế đã góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Năm 2017, Phi Anh Đệ là một trong 63 người được Trung ương Hội nông dân Việt Nam công nhận “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn