Thời điểm cận, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều ngư dân ở các xã bãi ngang như Tam Thanh (TP Tam Kỳ), Tam Tiến (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đổ xô đi cào ốc gạo (ốc ruốc).
Theo ngư dân địa phương, từ cuối tháng Chạp đến hết tháng Giêng là khoảng thời gian được xem là "mùa vàng" ốc gạo. Đó cũng là thời điểm bà con ngư dân bước vào vụ khai thác loại ốc bé tẹo này.
Chỉ với một cây sào tre dài tầm 1,5m có gắn lưỡi cào bằng kim loại được móc nối với mảnh lưới nhỏ là ngư dân đã có thể hành nghề cào ốc.
Để bắt được ốc gạo, ngư dân di chuyển thụt lùi rồi nhấn sào, cào sâu xuống lớp cát và kéo mạnh.
Từ mùng 3 Tết đến nay, đều đặn từ 5h mỗi ngày, bà Lê Thị Năm (trú xã Tam Tiến) cùng nhóm phụ nữ trong xóm của mình ới nhau thức dậy và lội bộ ra khu vực biển cách bờ chừng 70-100 mét để cào ốc gạo.
Theo bà Năm, tại vùng biển địa phương năm nay, ốc gạo nhiều vô số kể nên bà tranh thủ thức dậy sớm để đón "lộc biển". "Cào liên tục 4 tiếng đồng hồ (từ 5h đến 9h), trung bình một ngày, tôi thu được 6 xô ốc (một xô 30kg). Bán lại cho thương lái ngay tại bờ biển với giá 2.000 đồng/kg, như vậy tôi kiếm được khoảng trên 300 nghìn đồng/ngày", bà Năm vui vẻ chia sẻ.
Cũng như bà Năm và nhiều ngư dân ở xã bãi ngang Tam Tiến, anh Nguyễn Văn Bình (trú xã Tam Thanh) cũng hồ hởi khi bội thu ốc gạo. "Những ngày gần đây, biển động nên tôi tạm gác công việc đánh cá ngoài khơi để cùng với vợ vác sào đi cào ốc. Đây được xem là công việc thời vụ của ngư dân vào mỗi dịp cận và sau Tết Nguyên đán. Năm nay, ốc nhiều vô số kể nên bà con rất phấn khởi", anh Bình nói và bộc bạch thêm, suốt một tuần vật lộn với sóng nước gần bờ để đi giật lùi cào ốc, vợ chồng anh "bỏ túi" hơn 4 triệu đồng.
Một thương lái chuyên thu mua ốc gạo tại Quảng Nam cho biết: "Trung bình một ngày, tôi thu mua hơn 3 tạ ốc của ngư dân địa phương để vận chuyển ra Đà Nẵng bán. Sau khi chế biến, món ăn dân dã này bán "đắt như tôm tươi", hầu như chẳng bao giờ ế".
Bình luận