Video: Cận cảnh cánh đồng dược liệu ngót 1.000 tuổi ở Hưng Yên
Cách Hà Nội khoảng 20km, thôn Nghĩa Trai (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên), từ lâu được mệnh danh là "làng dược liệu ". Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề trồng và chế biến dược liệu.
Dù ít dù nhiều, nhà nào cũng trồng cây thuốc để kinh doanh và phục vụ nhu cầu gia đình. Đến nay, trên 70% diện tích canh tác của thôn Nghĩa Trai được sử dụng để trồng cây dược liệu.
Tùy theo mùa vụ, nhưng hiện có 5 loại cây dược liệu được người dân ở Nghĩa Trai chọn trồng là cúc chi, đơn lá đỏ, trạch lan, cốt khí và mã đề.
Đến Nghĩa Trai những ngày này, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của vùng quê nơi đây, khi các cây dược liệu đang thi nhau khoe sắc.
Đó là sắc tím pha chút trắng nhẹ của những bông hoa trạch lan.
Theo người dân nơi đây, cây trạch lan (còn có tên mần tưới) chữa được rất nhiều bệnh như mệt mỏi, mất ngủ, giảm sưng đau do mụn nhọt...
Cúc chi chính là cây được người dân Nghĩa Trai trồng nhiều nhất, vì vòng đời ngắn và mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Mùa thu hoạch cúc chi thường kéo dài khoảng 30 ngày vào thời điểm sát Tết Dương lịch. Theo ông Nguyễn Hữu Hưởng, người dân thôn Nghĩa Trai, nếu thời tiết ủng hộ và được giá, một sào cúc chi có thể cho thu nhập 50 triệu đồng/năm.
Nếu đến ''làng dược liệu'' vào thời điểm đầu đông, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những cách đồng cúc chi vàng rực. Theo người dân Nghĩa Trai, khoảng hơn 1 tuần nữa, họ sẽ bắt tay vào việc thu hoạch hoa cúc chi.
Tác dụng chính của hoa cúc chi là thanh nhiệt, giải độc. Ngoài việc chế biến để làm thuốc, không ít người còn sử dụng hoa cúc chi (tươi hoặc phơi khô) để pha trà.
Ngoài cúc chi, cây đơn lá đỏ cũng thuộc số những cây mang lại giá trị kinh tế. Được biết, cây đơn lá đỏ được một số nhà máy thu mua về để lấy tinh dầu, sau đó chế thành thuốc trị zona, mẩn ngứa.
Những bó cây đơn đỏ được người dân cắt và chờ để chuyển đi.
Một người dân đang thu hoạch hoa của cây mã đề.
Bà Nguyễn Thị Phương, người gần 30 năm trồng cây dược liệu cho biết, cây mã đề không cho thu nhập cao như các cây dược liệu khác (chỉ 10 triệu/sào/năm), nhưng bù lại cây sống bền, công chăm sóc ít. Được biết, cứ 1 tuần, người dân sẽ thu hoạch hoa mã đề một lần.
VIỆT AN
Bình luận