Trong 2 ngày 16-17/10, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện mưa to đến rất to. Do mưa lớn nên lũ trên các sông từ Nam Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai lên nhanh khiến nhiều khu vực thấp trũng chìm trong biển nước. (Ảnh: Thanh Ba)
Tại tỉnh Gia Lai, mưa lũ khiến hàng chục nhà dân ở TP Pleiku bị ngập nước. Ngoài ra, một số ngầm tràn đường giao thông tại huyện Kông Chro, Đức Cơ, Mang Yang, Ia Pa, Chư Prông, Kbang, Chư Sê bị nước tràn qua, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Mưa lũ cũng gây sạt lở hàng loạt vị trí trên các tuyến đường giao thông tại các huyện Đức Cơ, Đak Đoa, Kông Chro. (Ảnh: Hoàng Mai)
Lực lượng Cảnh sát 113 phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) và lực lượng chức năng TP Pleiku sơ tán người dân ở các ngôi nhà bị ngập đến nơi an toàn. (Ảnh: Hoàng Mai)
Tính đến 16h ngày 17/10, tỉnh Kon Tum có 28 căn nhà bị ảnh hưởng do mưa lũ. Huyện Đăk Glei phải tổ chức di dời 67 hộ dân tại các xã Mường Hoong, Đăk Pek, Xốp, thị trấn Đăk Glei đến nơi an toàn. Tỉnh lộ 677 nối xã Đăk Hring, Đăk Pxi đến xã Đăk Côi (huyện Kon Rẫy) sạt lở một số điểm. Nước sông Pô Kô (huyện Đăk Glei) dâng cao, cầu treo bắc qua sông nối thị trấn Đăk Glei với các thôn Đông Sông, Đông Thượng bị nước lũ cuốn trôi mố cầu. (Ảnh: H.M)
Tại Quảng Nam, mưa lớn khiến nhiều khu vực ở các huyện miền núi như Tây Giang, Nam Trà My bị ngập cục bộ, sạt lở chia cắt. Cụ thể, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã A Vương, huyện Tây Giang bị sạt lở, dòng nước suối chảy xiết khiến các phương tiện di chuyển từ TP Đà Nẵng, huyện Đông Giang lên Tây Giang không thể lưu thông. Tuyến Quốc lộ 40B từ Bắc Trà My lên Nam Trà My (đoạn ngầm sông Trường và nước Oa) ngập sâu khiến các phương tiện bất lực không qua được. (Ảnh: H.L)
Tại vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, mưa lớn kết hợp các hồ thủy điện ở thượng nguồn xả lũ, khiến nước sông Vu Gia dâng cao. (Ảnh: Thanh Ba)
Một khu dân cư ven sông Vu Gia, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc bị nước bủa vây. (Ảnh: Thanh Ba)
Tại phố cổ Hội An, mưa to kéo dài khiến mực nước trên sông Hoài (một nhánh của sông Thu Bồn, chảy qua phố cổ) dâng cao. Trong đêm 16 và ngày 17/10, nước từ dưới sông Hoài tràn lên các tuyến đường khu phố cổ như: Bạch Đằng, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ. Đặc biệt, một số khu vực trên tuyến đường Bạch Đằng ngập sâu từ 40 đến 50cm. (Ảnh: Thanh Ba)
Tối 17/10, tại các xã vùng ven sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nước sông lên nhanh, nhiều tuyến đường bị nước lũ chia cắt, người dân chuẩn bị thuyền bè trong đêm đề phòng lũ lớn. (Ảnh: Lê Ngọc)
Anh Hoàng Viết Tài, trú tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy cho hay: "Do hàng hóa trong nhà toàn những thứ không ngâm được nước nên khi nghe tin lũ về, mọi người cùng nhau thu dọn lên cao" . (Ảnh: Lê Ngọc)
Người dân Quảng Bình chất lúa lên tận sát nóc nhà khi nước lũ đang dâng cao. (Ảnh: Lê Ngọc)
Tại Quảng Trị, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này cho biết, mưa lớn trong những ngày qua làm nước sông dâng cao, gây ngập tại các ngầm tràn và chia cắt một số tuyến đường ở khu vực miền núi, đặc biệt tại một số tràn trên địa bàn huyện Đakrông như: Tràn Tà Rụt - A Vao trên đường vào trung tâm xã A Vao; tràn Ba Lòng, xã Ba Lòng; cầu Tràn Đá Đỏ, xã Ba Nang; tràn Ly Tôn, xã Tà Long...Ở một số khu vực, lực lượng chức năng phải lập biển cấm người qua lại. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Tối 17/10, tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, trong căn nhà nhỏ, gia đình ông Nguyễn Hữu Thắng tất bật thu dọn đồ đạc, bắt gà vịt nhốt lên cao nhằm chuẩn bị ứng phó khi nước lũ dâng. (Ảnh: Trọng Tùng)
Video: Miền Trung - Tây Nguyên chìm trong biển nước
NHÓM PV
Bình luận