Làng Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn) là một trong những làng trồng trầu hiếm hoi được công nhận là Nghề truyền thống. Theo các cụ già trong làng, nghề trồng cây trầu không đã gắn bó với người dân từ rất lâu, hàng trăm năm trước.
Cận Tết cũng là lúc người trồng trầu làng Văn Sơn hồ hởi nhất, bởi giá trầu không thời điểm này cao nhất trong năm.
Cầm nắm trầu không trên tay, bà Nguyễn Thị Phú (thôn Văn Sơn) cho biết, hôm nay đã hoàn thành hơn 10 đơn hàng cho thương lái. “Từ ngày 20 đến khoảng 29 Tết là thời điểm trầu có giá cao nhất. Với gần 1.000 gốc trầu không, mỗi ngày tôi có thể hái khoảng 2.000 lá nhưng không đáp ứng được số lượng thương lái yêu cầu”, bà Phú cho hay.
Trầu không ở xã Đỉnh Bàn nổi tiếng thơm ngon với lá trầu dày, vị cay nồng đặc trưng. Từng được ví là “trầu tiến vua” nên mọi người ưa chuộng và luôn tìm đến tận vườn thu mua, đặc biệt là dịp Tết trầu không tại vườn hầu như luôn “cháy hàng”.
Theo kinh nghiệm của người dân trồng trầu, để có những lá trầu đảm bảo chất lượng phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3-5 lá. Cây trầu thích hợp bón phân chuồng, phân vi sinh, chứ không bón phân hóa học và phun thuốc.
Người dân làng Văn Sơn thường ủ lá cây khô dưới gốc trầu để tạo độ ẩm, giữ nước cho cây.
Giàn trầu không chỉ được làm bằng tre, cây gỗ chứ không sử dụng cột bê tông như những loài cây leo khác. Mỗi giàn trầu không cao từ 2-4m.
Khi hái lá trầu người dân không sử dụng dao hay kéo mà trực tiếp dùng móng tay bấm vào cuống lá. Cuống lá được giữ lại dài khoảng 2-3 cm.
Trầu sau khi hái sẽ được xếp thành từng xấp, mỗi xấp 50 lá, ngày thường chỉ có giá 5.000-7.000 đồng/xấp, còn dịp Tết, ngày lễ có thể tăng lên gấp 3, gấp 4 lần. Thậm chí những lúc khan hiếm hàng, giá trầu có thể lên đến 2.000 đồng/lá.
So với những loại cây trồng khác thì cây trầu không chi phí đầu tư ít nhưng thu nhập ổn định quanh năm.
Hiện nay, xã Đỉnh Bàn có hơn 100 hộ dân làm nghề trồng trầu, với diện tích hơn 2,5ha.
Bình luận