• Zalo

Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị

Đời sốngThứ Năm, 26/05/2022 21:00:41 +07:00Google News
(VTC News) -

Tại toạ đàm "Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị”, chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp giảm thiểu tác động của cháy nổ tới môi trường đô thị.

Chiều 26/5, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị”.

Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị - 1

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ là do công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các công trình cao tầng, đặc biệt là các tòa chung cư hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập. Trong đó nổi bật là tình trạng công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu…

"Thời gian vừa qua, tại một số đô thị lớn như TP Hà Nội, TP.HCM, liên tiếp xảy ra cháy nổ tại chung cư cao tầng đến nhà tập thể, cơ sở sản xuất...gây thiệt hại về người và tài sản. Trong đó các vụ cháy ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân xung quanh", Nhà báo Khánh Toàn, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống thông tin.

Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị - 2

Nhà báo Khánh Toàn – Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống phát biểu khai mạc tọa đàm.

Còn Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Phòng công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, qua 1 năm tổng kết, số vụ cháy đã giảm, trong 12 tháng (15/4/2021-15/4/2022), số vụ cháy trong khu dân cư giảm 227 vụ, giảm 24,6%, khu vực sản xuất kinh doanh dịch vụ văn phòng giảm 119 vụ giảm 21%.

"Trước tình hình xã hội phát triển thì nguy cơ cháy nổ phức tạp vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân và cơ quan quản lý trong công tác quản lý giảm các vụ cháy nổ", ông Hải nói.

Cũng theo Trung tá Lê Minh Hải, công tác tuyên truyền cần được ưu tiên, tập trung hướng dẫn các lực lượng tại chỗ, như lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy cơ sở, từ đó có phương án cho chủ cơ sở, và đôn đốc kiểm tra xử lý vi phạm, hướng dẫn chủ cơ sở tự kiểm tra tự thực hiện trách nhiệm công tác PCCC.

Đặc biệt, với các cơ sở kinh doanh có hóa chất nguy hiểm, trong quá trình quản lý kiểm tra, phải tập trung giám sát chặt chẽ khu vực có cơ sở kinh doanh có liên quan đến hóa chất và hướng dẫn, đưa ra các phương án hướng dẫn cơ sở để có biện pháp phòng ngừa, chữa cháy. Đồng thời, trong phương án phòng cháy của cơ quan công an, phải xây dựng những tình huống cụ thể, thực tập tình huống các đó để nhuần nhuyễn hơn đối với các vụ cháy có hóa chất nguy hiểm,  đưa ra các chiến thuật chữa cháy khoa học, giảm thiểu tác động của cháy nổ đối với môi trường.

Đánh giá về công tác phòng chống cháy nổ hiện nay, GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho hay, cháy nổ ảnh hưởng đến tài sản nhưng nhiều người không quan tâm cháy nổ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như thế nào. Nhà dân xây rất gần nhau tại các thành phố lớn, khu đô thị, khi cháy nổ xảy ra thiếu oxy, cháy nổ còn tạo ra luồng bụi mịn, theo gió lan ra làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực xảy ra vụ cháy và môi trường cách đó 200-300-500m cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, khi hỏa hoạn xảy ra còn sinh ra luồng bụi mịn theo đường gió ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, nhiều người bị ngạt, chất lượng môi trường thay đổi nhiều, nguồn sinh vật chết cháy là những hậu quả khi cháy nổ xảy ra. Điều nữa là chúng ta phải dùng nước để dập cháy, nước này sẽ trở thành nước ô nhiễm, nguồn nước này sẽ chảy về ao, hồ… nguồn nước này ảnh hưởng đến nguồn sinh vật dưới hồ, nên ảnh hưởng đến môi trường nước lân cận.

Các mùn thải từ vụ cháy cũng ảnh hưởng đến môi trường. Cũng tùy theo đối tượng, vật liệu cháy để lại hậu quả cháy khác nhau…

Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị - 3

Vụ cháy kho hóa chất ở Long Biên có hiện tượng rò rỉ ra bên ngoài.

"Sau cháy nổ, tôi mong muốn lực lượng chức năng cần tìm hiểu nguồn tiếp nhận nước thải, đặc tính vật liệu cháy, nguyên nhân vụ cháy, để dự đoán có thành phần ô nhiễm phát sinh nào. Đồng thời phải lấy mẫu quan trắc hiện trạng môi trường; di dời người già, trẻ em, người ốm ra khỏi khu vực cháy nổ đó một thời gian để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chúng ta không thể thu gom lại khí, cần có thời gian để thông thoáng khí, xử lý nước thải sinh ra về cơ sở xử lý nước thải, đảm bảo an toàn môi trường, xử lý chất thải rắn chất thải nguy hại là việc cần làm. Việc làm nữa là cần tiến hành kiểm tra sức khỏe của cộng đồng dân cư trong khu vực xảy ra cháy nổ, tránh những nguy cơ nhiễm độc gây hại cho sức khỏe của cộng đồng", GS.TS Đặng Thị Kim Chi chia sẻ.

Cũng tại buổi toạ đàm, theo TS Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, mỗi nhà đầu tư có trách nhiệm phải lập đánh giá tác động môi trường, mô tả rõ tác động môi trường, nhận định được tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Luật quy định cụ thể, Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền cho dự án hoạt động khi công trình đánh giá tác động môi trường hoàn thành và chạy thử nghiệm.

"Không ít doanh nghiệp trốn tránh thực hiện về trách nhiệm môi trường để tăng lợi nhuận, giảm chi phí. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Nhà nước ban hành bổ sung nhiều quy định thanh tra kiểm tra, xử phạt. Với việc kiểm tra chặt chẽ đối với đơn vị, vi phạm về môi trường đã giảm, tôi hy vọng trong thời gian tới với quy định mới về luật bảo vệ môi trường 2020 sẽ được thực thi nghiêm túc hơn", TS Nguyễn Thế Đồng phát biểu tại buổi toạ đàm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng phòng, Phòng Phương tiện bảo vệ cá nhân – Trung tâm An toàn Lao động, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động cho biết, hiện nay, do không tuân thủ quy tắc an toàn vệ sinh lao động, nguyên tắc 5S, nguyên vật liệu để lẫn khi sản xuất, bụi lâu ngày không được làm sạch, tích điện, hở đường dây điện dẫn đến cháy nổ. Đồng thời, ý thức của con người, bất cẩn, bố trí bàn thờ thắp hương không hợp lý, sự cố kỹ thuật trong cơ sở sản xuất; vi phạm quy tắc an toàn về cháy nổ, bố trí bình chữa cháy bị che khuất. Vì vậy, cần nâng cao ý thức của người dân.

Ngoài ra, một lý do nữa đó là trang thiết bị PCCC hàng năm có được được bảo dưỡng không, bảo dưỡng ra sao, có đảm bảo ko, mũ, quần áo, găng tay… PCCC cho lính cứu hỏa. thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp có dc đảm bảo không. Dùng bao lâu thì cần thay đổi hộp lọc ở phương tiện bảo vệ cá nhân.

"Việc trang bị mặt lạ phòng độc rất tốt nhưng lưu ý thời gian sử dụng của bộ lọc. Nếu đã quá thời gian sử dụng cần thay thế. Nếu không có mặt nạ có thể dùng khẩu trang", TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ đưa ra giải pháp cho công tác PCCC đồng thời giảm thiểu những tác động đến môi trường.

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn