• Zalo

Anh hùng phi công Từ Đễ kể cuộc chạm mặt với 'cựu thù' sau 50 năm trên đất Mỹ

Thời sựThứ Tư, 13/12/2017 12:15:00 +07:00Google News

Sau 50 năm gặp lại, những phi công Việt - Mỹ ôm chầm lấy nhau rồi khóc, hồi tưởng lại những phút đối mặt khốc liệt trên bầu trời Việt Nam.

Một ngày cuối tháng 12, trong tiết trời lất phất mưa, chúng tôi men theo con hẻm nhỏ trên đường Cửu Long (quận Tân Bình, TP.HCM) tìm về nhà của Đại tá Từ Đễ - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ông Đễ là phi công của Phi đội Quyết Thắng, người từng dùng máy bay thu được của địch, ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975.

Hơn 40 năm, sau ngày đất nước thống nhất, Đại tá Từ Đễ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ở tuổi 68, người phi công cường tráng ngày nào vẫn trẻ trung, vóc dáng cao lớn, ánh mắt tinh anh, nhanh nhạy như một tráng niên.

Trong lần gặp gỡ này, điều khiến chúng tôi ấn tượng đó là câu nói "Hổ phụ sinh hổ tử" được tái hiện trong chính gia đình Đại tá Từ Đễ.

Chắc hẳn tới bây giờ, nhiều thế hệ người Việt vẫn còn nhớ cố GS Từ Giấy, tác giả của những phong lương khô N70, N71 hay mô hình VAC (Vườn Ao Chuồng) đã “cứu đói, làm giàu” cho bao gia đình người Việt.

Cố GS Từ Giấy trở thành một trong 20 “huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới”. Ông Từ Giấy là người đầu tiên nhận giải thưởng "nhà dinh dưỡng xuất sắc nhất Châu Á" và được Ủy ban Dinh dưỡng Liên Hiệp quốc trao giải thưởng “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng”. Và ông Từ Giấy chính là cha ruột của Đại tá Từ Đễ.

b

Phi công Từ Đễ (thứ 3 từ trái qua phải) cùng Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn trước khi đánh sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975.

Những người lính nhân văn

​​Kể về những tháng năm liều mình cầm cần lái bay lượn trên bầu trời, vượt qua đạn bom của kẻ thù, và mới đây lại gặp chính những người năm xưa từng đối đầu ấy, Đại tá Từ Đễ không giấu được vẻ bùi ngùi, xúc động."Đó là quãng thời gian quý giá và đáng nhớ nhất, chúng tôi là những người lính nhân văn, chiến đấu nhân văn. Trong lần gặp lại vừa rồi tại Mỹ, chúng tôi những phi công Việt - Mỹ lại càng trân quý nhau nhiều hơn", Đại tá Từ Đễ nói.

Cuộc hội ngộ của hơn 50 cựu phi công Việt - Mỹ tại California (Mỹ) vào ngày 21/9 vừa qua, do ông Nguyễn Sỹ Hưng - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, con trai của Tướng Đồng Sỹ Nguyên (Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn 559) đứng ra tổ chức, phần nào đó giúp các cựu phi công hai nước xích lại gần nhau hơn.

Ngoài Đại tá Từ Đễ, cuộc hội ngộ còn có mặt các phi công danh tiếng của Việt Nam như Trung tướng Phạm Phú Thái, phi công lái MIG-21, anh hùng lực lượng vũ trang, bắn rơi 4 máy bay Mỹ; Phi công Lê Thanh Đạo lái MI-21 bắn rơi 6 máy bay Mỹ; Phi công Nguyễn Văn Bảy lái MIG-21 đã 100 lần xuất kích, 13 lần nổ súng và đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ; Phi công Mai Đức Toại bắn rơi 2 máy bay Mỹ; Phi công Nguyễn Tiến Sâm bắn rơi 5 máy bay Mỹ; Phi công Đồng Văn Song lái MIG-21 bắn 4 máy bay Mỹ. Về phía Mỹ, những phi công nổi tiếng cũng tham gia như Đại tá Jack Ensch lái F-4B trận ngày 23/5/1972; Chuẩn đô đốc Kenneth Pete Pettigrew đã tham gia không chiến trong trận ngày 6/5/1972...

"Đó là cuộc hội ngộ đầy xúc động, bởi suốt một thời gian dài chúng tôi từng được xem là đối thủ của nhau trên trời. Kết thúc chiến tranh, chúng tôi chỉ biết tên tuổi của nhau qua sách báo, chưa từng một lần gặp mặt.

Trong lần gặp mặt này chúng tôi có cảm giác rằng, những cựu phi công Việt - Mỹ thật giống nhau, chúng tôi cảm nhận được sự nhân văn trong chiến đấu từ nhau.

Thời gian đã trôi đi, đã hơn 40 năm từ những ngày làm thù địch, những vết thương quá khứ đã liền sẹo và chúng tôi mong muốn rằng, các cựu phi công hãy làm cho nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn", Đại tá Từ Đễ chia sẻ.  

 
Thấy hai cái đầu trắng ngọ nguậy trong buồng lái nên ông (phi công Nguyễn Văn Bảy) không nhắm vào đó nữa, vì nếu bắn thì hai phi công Mỹ sẽ chết ngay nên nhắm vào cánh máy bay.

Anh hùng phi công Từ Đễ

Đại tá Từ Đễ cũng bày tỏ tình cảm giữa cựu phi công hai nước chính là điều khiến ông xúc động nhất sau chuyến đi vừa qua. Ông xúc động khi những người từng là kẻ thù của nhau, lại có những giây phút thân tình như thế. Và cả trước đây, khi rượt đuổi nhau trên bầu trời, chính các ông cũng là những người lính đầy lòng vị tha và nhân văn.

"Đánh nhau trên trời thì người ta nghĩ đâu có nhân văn gì, tuy nhiên tôi kể cho chuyện này. Buổi hội ngộ hôm đó, khi mà ông Bảy (phi công Nguyễn Văn Bảy - PV) đứng lên, nói chuyện về trận đánh của cụ thì ở dưới có một ông phi công Mỹ già lắm, đứng lên hỏi cụ Bảy có nhớ trận đánh ngày 16/9/1966 ở phía Bắc không?

Lúc đó ông Bảy mới trả lời: "Tôi nhớ, trận đó tôi bắn rơi một máy bay F4". Ngay lập tức, ông phi công Mỹ đứng bật dậy nói "Tôi là người lái máy bay bị ông bắn rơi đây này. Ôi! 50 năm sau tôi mới nhìn thấy người bắn rơi máy bay mình". Rồi ông ấy oà khóc và đi tới ôm chầm lấy ông Bảy. 

Sau đó, phi công Nguyễn Văn Bảy kể rằng, trong trận chiến hôm đó lúc máy bay của ông chui lên khỏi mây thì thấy máy bay của phi công Mỹ đang lượn tìm mục tiêu. Lúc đó ông Bảy nhắm vào buồng lái máy bay đối phương. Tuy nhiên, thấy hai cái đầu trắng ngọ nguậy trong buồng lái nên ông không nhắm vào đó nữa, vì nếu bắn thì hai phi công Mỹ sẽ chết ngay nên nhắm vào cánh máy bay.

Video: Phi công Nguyễn Văn Bảy gặp lại 'đối thủ' sau 48 năm

Chiếc máy bay có 2 phi công Mỹ trúng đạn, lộn nhào cắm xuống đất. Một chiếc dù bung ra. Ông Bảy thắc mắc và hỏi cựu phi công Mỹ rằng người còn lại đâu vì mục tiêu của cụ Bảy là diệt máy bay chứ không bắn phi công, nên ông mới cố tránh để bắn vào cánh máy bay cho các ông ấy nhảy dù thoát thân.

IMG_9696

Đối với cựu phi công Từ Đễ, kỷ vật quan trọng và đáng giá nhất thời đạn bom đối với ông hiện tại là buồng lái máy bay chiến đấu từng sát cánh với ông.

Nghe vậy, phi công người Mỹ tiếp tục oà khóc kể rằng, vị Thiếu tá lái máy bay cùng với ông ngồi buồng trước nhưng không biết tại sao không nhảy dù: "Ông ấy ngồi trước tôi ngồi sau, đáng nhẽ ông ấy sẽ dễ nhảy hơn, tôi nhảy sẽ dễ chết. Tuy nhiên không hiểu sao ông ấy không nhảy". Lúc đấy, cả khán phòng hơn 50 phi công hải quân đều im lặng...

Sau cuộc nhận diện của hai phi công từng đối đầu nhau, tôi thấy được sự cảm động trong mỗi người tại khán phòng đang trào dâng. Họ cảm động vì cuộc hội ngộ sau hơn 40 năm gặp mặt, vì hành động nhân văn của ông Bảy. Cụ ấy bắn cánh máy bay, để máy bay rơi và phi công nhảy dù chứ không muốn giết người. Hành động đó nước Mỹ đánh giá rất cao," Đại tá Từ Đễ kể.

"Không phải tự nhiên mà tôi nói cả cựu phi công Việt Nam và Mỹ đều nhân văn, nhân văn ở phi công Việt Nam thì câu chuyện của ông Bảy là điển hình rồi. Còn về phía Mỹ, chúng tôi nhận ra được sự nhân văn của họ trong chuyến thăm Việt Nam vào năm ngoái (2016).

Ngày xưa, trong đoàn Mỹ, có một ông phi công là trung tá lái máy bay F4J, từng vào đánh sân bay Kép. Tên lửa máy bay Mỹ bắn xuồng bắn thì phi đội MiG-21 cất cánh. Một chiếc vừa cất cánh đã bị bắn nổ và đâm rầm xuống đất. Người phi công tử nạn là Nguyễn Văn Ngãi (quê Hà Tây cũ). Anh ấy còn rất trẻ. 

Sau đó, một phi công của ta ghìm máy bay sát đất và tăng tốc lên trời đánh nhau với biên đội Mỹ. Một máy bay F4J bị bắn rơi. Thế là trận đó hoà 1-1. Và trong cuộc gặp, một cựu phi công Mỹ thừa nhận đúng như thế", Đại tá Từ Đễ kể lại.

Lúc đó, ông Đễ mới nói với cựu phi công đó rằng, lần đó họ đánh nhau với mình như thế là không quân tử vì máy bay không quân Việt Nam chưa kịp ngoi lên đã bị bắn ngay như vậy thì không công bằng. Cựu phi công Mỹ gật đầu thừa nhận.

"Sau cuộc gặp năm ngoái, tôi đã mời cựu phi công đó về thăm gia đình phi công Ngãi, người tử nạn trong trận đánh năm đó. Lúc đến nhà phi công Ngãi thì phi công Mỹ cùng một Đại tá Mỹ nữa nước mắt rưng rưng.

Họ nói câu này làm tôi nhớ mãi: "Nhiệm vụ của chúng tôi là bắn rơi máy bay của đối phương, chứ chúng tôi không có ý giết người, chuyện này hoàn toàn không may nên thật sự mong gia đình thông cảm cho tôi". 

h 4

 Trong cuộc hội ngộ với các cựu phi công Mỹ, đối với ông, ông trân quý nhất là tính nhân văn giữa những người lính không quân.

Trong buổi hội ngộ, Chuẩn đô đốc Kenneth Pete Pettigrew của Mỹ đã xúc động cho rằng giữa các phi công đều có một điểm tương đồng, đó là họ đều có lòng yêu nước. Chỉ có điều, các phi công Việt Nam thể hiện lòng yêu nước bằng lòng dũng cảm, chiến đấu bảo vệ tổ quốc thân yêu của mình. Những phi công Mỹ vẫn còn nợ Việt Nam những lời xin lỗi.

Tất cả cựu phi công Mỹ ai cũng công nhận rằng phi công Việt Nam là những người tài giỏi. Họ từng đối đầu với phi công Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và cả Liên Xô cũ, nhưng với họ, phi công Việt Nam là những người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn