Video: Mía cháy bất thường, nông dân thiệt hại nặng nề
Theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 100 vụ cháy lớn, nhỏ, gây thiệt hại hơn 315 ha mía, tăng gấp 5 lần so với vụ mía năm 2022. Trong đó, các huyện bị cháy mía nhiều nhất gồm: Phú Thiện (180 ha), Kông Chro (51,3 ha), Chư Sê (27 ha), Ia Pa (24,4 ha)…
Theo đánh giá của địa phương, tình trạng mía cháy như hiện nay có dấu hiệu bất thường hơn so với mọi năm, quy mô cháy lớn và liên tục.
Chưa đầy nửa tháng, tại xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) đã xảy ra 4 vụ cháy trong các ngày 26, 29, 31/1 và 6/2, khiến 50 ha mía của 35 hộ dân bị thiêu rụi.
Sở hữu rẫy mía rộng 1,5 ha đã tới kì thu hoạch song lại bị hỏa hoạn thiêu rụi hôm 6/2, ông Thier (huyện Phú Thiện) không khỏi buồn rầu. Ông Thier cho biết những ngày qua, công ty đang thu hoạch các rẫy mía của gia đình bị cháy đợt trước. "Mỗi ha mía tôi đầu tư khoảng 20 triệu đồng phân, công chăm sóc. Giá mía sau khi bị cháy giảm mạnh, nông dân thiệt hại nặng nề. Một tuần trước khi vườn mía này cháy, vườn mía rộng 8 sào của tôi cách đó khoảng 2 km cũng bị hỏa hoạn thiêu rụi", ông Thier rầu rĩ.
Tương tự, ông Lê Đình Chơn (xã An Phú, huyện Đăk Pơ) cũng vừa rơi vào cảnh thấy ruộng mía của mình cháy trước mắt song lực bất tòng tâm. "Khi nhận tin báo mía của gia đình bị cháy, tôi cùng mọi người phát bờ bao để ngăn lửa song do thời tiết nắng nóng, hanh khô cộng với gió to, ngọn lửa lan nhanh nên đã thiêu hơn 2 ha mía của gia đình", ông Chơn nói.
Ông Chơn cho biết gia đình ông bỏ khoảng 200 triệu đồng đầu tư 4 ha, giờ mía cháy thì cả sản lượng và chất lượng đều giảm. Mía khi bị cháy nếu thu hoạch kịp, giá thấp hơn khoảng 40.000 đồng một tấn so với mía thường. Càng để lâu, giá mía cháy càng thấp. Mỗi ha mía bị cháy, người nông dân thiệt hại khoảng 15 triệu đồng.
Mía khi bị cháy nếu kịp thu hoạch thì sẽ được các công ty thu gom thuê hàng chục nhân công làm nhiệm vụ chặt, gom thành từng đống. Mỗi bó mía (10 cây) được trả 800 đồng, thu nhập của mỗi nhân công một ngày được khoảng 200.000 đồng.
Sau khi thu gom lại từng đống, mía sẽ được máy cẩu bốc lên xe tải đưa về nhà máy. Bà Vũ Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai, cho biết sau khi xảy ra sự cố cháy, công ty vẫn thu mua nhằm giảm thiệt hại cho người trồng và công ty. Hiện, công ty có hơn 11.000 ha nguyên liệu mía tại các huyện, Phú Thiện, Chư Sê, Krông Pa, Ia Pa, Kông Chro và thị xã Ayun Pa.
Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện, cho biết nhiều cánh đồng mía bị cháy có thể do người dân sinh hoạt bất cẩn, cộng với thời điểm đang vào mùa hanh khô nên ngọn lửa lan rất nhanh. Các ruộng mía thường bốc cháy vào ban đêm nên việc dập tắt gặp khó khăn.
Liên quan tới vụ việc, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã có sản xuất mía đường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống cháy mía trong mùa khô. Việc đốt, dọn rẫy mía sau thu hoạch phải tuân thủ quy trình; thông báo cho chủ mía liền kề và chính quyền cơ sở để theo dõi, giám sát, tránh tình trạng cháy lan; phổ biến về các hành vi đốt mía, phá hoại sản xuất là vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng công an tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân cháy và xử lý theo quy định pháp luật.
Bình luận