Nằm trên con phố sầm uất tại quận 10 (TP.HCM), Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu là nơi học tập, rèn luyện của hơn 300 học sinh khiếm thị ở các độ tuổi khác nhau. Nhiều năm nay, hàng nghìn trẻ không may mắn được đào tạo nghề, dạy văn hóa, để khi trưởng thành có công ăn việc làm ổn định và trở thành người có ích cho xã hội .
Trường có một số câu lạc bộ ngoại khóa, trong đó có đội bóng đá nam - nơi trẻ yêu thích môn thể thao vua có thể chơi bóng như bất kỳ ai. Đội bóng thành lập từ năm 2002, là nơi học sinh vui chơi giải trí, thư giãn cùng bạn bè và thầy cô sau giờ học. Hàng tuần, các em tập luyện hai ngày cố định là thứ Ba và thứ Năm.
Các thầy cô chia sẻ, khi mới vào trường, nhiều học sinh thường rụt rè và khép kín. Nhờ được thầy cô giúp đỡ, bạn bè động viên cùng tham gia hoạt động ngoại khóa, các em cởi mở, hòa đồng hơn. Cũng nhờ môi trường sống tích cực tại đây, nhiều em tìm thấy ước mơ của mình.
"Bóng đá là môn thể thao đề cao tinh thần đồng đội. Nó giúp xóa bỏ ranh giới, là chất xúc tác để các em cởi mở, đem đến niềm vui và suy nghĩ tích cực", đại diện trường chia sẻ về hoạt động ngoại khóa sôi nổi này.
Là một trong những học sinh đặc biệt của trường, Ngọc Phương (18 tuổi, đứng trước bóng) có phần già dặn hơn bạn bè cùng trang lứa. Em lớn lên tại Trung tâm Khuyết tật mồ côi ở Gò Vấp và học tại trường Nguyễn Đình Chiểu đã vài năm. Tại đây, Phương bộc lộ năng khiếu thể thao, em chơi rất tốt ở vị trí tiền vệ. "Em có thể chơi bóng hàng giờ cùng các bạn mà không thấy chán", Phương hào hứng chia sẻ.
Chàng trai 18 tuổi bày tỏ thêm: "Dù đôi mắt không nhìn thấy nhưng chúng em có thể chơi bóng bằng tai. Nhờ những quả chuông nhỏ trong trái bóng và tiếng hô của đồng đội, chúng em biết cách chuyền bóng và tránh va chạm". Phương và nhiều học sinh khác của trường Nguyễn Đình Chiểu suy nghĩ rất tích cực và luôn tin mình là người may mắn, bởi các em còn có thể đi đứng, tham gia các hoạt động ngoại khóa và chơi thể thao.
Phương tâm sự, em đang theo học massage trị liệu và mong muốn theo nghề này để chăm sóc những em nhỏ bị bệnh não úng thủy, liệt toàn thân, "Em mong những động tác trị liệu của mình có thể giúp các em ấy xoa dịu cơn đau, truyền cảm hứng cho các em sống lạc quan và trở thành người có ích cho xã hội".
Là mẹ của bé trai bị khiếm thị, chị Hoàng Anh (quận 9, TP.HCM) từng đau khổ một thời gian dài. Sau khi ly hôn, chị vừa làm cha, vừa làm mẹ, một mình nuôi con khôn lớn. Vì muốn theo dõi từng bước trưởng thành của con, chị đã xin vào làm việc tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. "Nhìn thấy Minh Hưng khôn lớn và có thể sinh hoạt, đá bóng như bình thường, tôi hạnh phúc không nói nên lời", chị xúc động chia sẻ.
Chị cho biết, Minh Hưng năm nay 16 tuổi, rất hiếu thảo. "Cháu nói, ước mơ của con là có thể bảo vệ mẹ. Chỉ mẹ mới biết con không nhìn thấy, còn người đi đường sẽ nghĩ con lành lặn. Chở con theo, người ta không dám bắt nạt hay kẻ xấu sẽ không rình rập mẹ trên đường khuya vắng vẻ", chị Hoàng Anh với đôi mắt rưng rưng, hạnh phúc kể.
Tấn Phát (áo cam) cũng là một trong những trường hợp đặc biệt của trường khiếm thị. Phát là một chàng trai rất lạc quan, yêu đời. Không chỉ học giỏi, em còn khiến nhiều người ngạc nhiên với khả năng thể thao thiên bẩm, thường xuyên ghi điểm bằng những cú đá đẹp mắt.
Theo thầy Hậu - huấn luyện viên của đội bóng, Phát là cầu thủ chơi bóng tốt nhất trường. Cậu rê, dắt bóng điêu luyện, kỹ thuật đá cũng như khả năng đoán hướng bóng khi nghe chuông của em không thua kém cầu thủ chuyên nghiệp. Mơ ước của Phát là lớn lên có việc làm ổn định, phụ giúp cha mẹ nuôi các em nhỏ.
Đại diện trường Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ, sống tử tế, sống đẹp, khát khao học tập, trở thành người có ích là điều mà nhiều đứa trẻ mong muốn, dù các em có khiếm khuyết hay không.
Tối 16/4, đội bóng trường Nguyễn Đình Chiểu có trận thi đấu với các cầu thủ Học viện HAGL - Arsenal JMG khóa 4, trong đó có Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Thanh... cùng các ca sĩ, diễn viên, đạo diễn, người mẫu nổi tiếng…
Cuộc đối đầu giữa hai đội nằm trong chương trình "Trận đấu bóng đá đặc biệt - Giấc mơ lớn Việt Nam". Với mong muốn sẻ chia, yêu thương cũng như tôn vinh lối sống đẹp và tử tế, Công ty VPMilk - đơn vị tổ chức chương trình hy vọng có thể đem đến cho các em cơ hội và trải nghiệm mới, được giao lưu với những cầu thủ lớn để viết tiếp ước mơ, trở thành người có ích cho xã hội.
Trận bóng giữa trẻ khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu và đội Học viện HAGL - Arsenal JMG khóa 4 diễn ra từ 19h ngày 16/4, tại Nhà thi đấu đa năng trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM (639 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TP.HCM).
Video: Ông già Noel ‘nói chuyện’ với bé khiếm thính bằng ngôn ngữ ký hiệu
(Nguồn: VnExpress )
Bình luận