Dự kiến chỉ còn chục ngày nữa, nhà thờ chính tòa Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) với tuổi đời 134 năm được đánh giá là có lối kiến trúc ‘độc nhất vô nhị’ ở Việt Nam khi kết hợp giữa nghệ thuật kiến trúc Baroque và Việt Nam sẽ hạ giải.
Theo một nữ thợ mộc đang làm việc tại lán dựng tạm bên cạnh nhà thờ Bùi Chu để chế tác đồ gỗ cho nhà thờ mới thì mấy ngày qua du khách thập phương kéo đến thăm nhà thờ rất đông, đặc biệt là mấy ngày nghỉ lễ.
Không chỉ có người dân đến thăm, mấy hôm nay nhà thờ Bùi Chu còn đón nhiều đoàn kiến trúc sư, các nhiếp ảnh gia, phóng viên báo chí và cả những đoàn cán bộ di sản đến tìm hiểu về nhà thờ được đánh giá là di sản kiến trúc nghệ thuật và văn hóa rất giá trị của Việt Nam, xứng đáng thuộc hàng di sản kiến trúc cấp quốc gia.
Một đại diện của UBND xã Xuân Ngọc cho biết trong sáng 2-5, cán bộ xã này đã dẫn một đoàn cán bộ di sản cấp trên tới khảo sát hiện trạng của ngôi nhà thờ. Cũng là một giáo dân, vị đại diện này cho biết các giáo dân đều rất ủng hộ việc xây nhà thờ mới, bản thiết kế nhà thờ mới đã được các đức cha gửi tới các hộ dân từ gần năm nay.
Ông này tiết lộ ngôi nhà thờ mới sẽ được xây dựng bằng gỗ lim được nhập khẩu từ nước ngoài, trị giá khoảng 200 tỉ đồng.
"Nhà thờ mới sẽ to đẹp hơn nhà thờ cũ. Nhà thờ cũ là di sản với các vị kiến trúc sư thôi, còn với chúng tôi nó đã cũ nát, không an toàn", vị cán bộ UBND xã Xuân Ngọc nói.
Ông này cũng cho biết việc xây dựng nhà thờ đã được các cha chuẩn bị từ 3 năm trước nhưng đến nay mới mua đủ lượng gỗ cần thiết cho việc xây nhà thờ mới chứ không phải vì vấn đề tài chính nên chậm khởi công.
Hiện trước mặt nhà thờ Bùi Chu là một lán rộng khoảng 100m2 chứa đầy những thân gỗ lim lớn đang được chế tác để chuẩn bị đưa vào ngôi nhà thờ mới.
Theo bảng thông tin được dựng tại nhà thờ Bùi Chu thì Bùi Chu là giáo xứ đầu tiên của Giáo phận Bùi Chu, trở thành xứ đạo vào năm 1670. Nhà thờ được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, khánh thành vào năm 1885, dài 78m, rộng 27m, cao 15m.
Theo quan sát của phóng viên Tuổi Trẻ Online ngày 2/5, công trình phủ rêu mốc trên tường phía ngoài nhưng bên trong của nhà thờ khá lộng lẫy, choáng ngợp bởi nhiều yếu tố kiến trúc độc lạ và hàng cột gỗ lim lớn trên bệ đá.
Đặc biệt, những hình ovan 3 lá trên trần với nhiều chi tiết cầu kỳ là một biến thể độc đáo của kiến trúc Thiên Chúa giáo, có vẻ ít thấy ở các nhà thờ Việt Nam. Hình ảnh này vừa thể hiện đường nét Baroque cổ kính vừa thể hiện nét phương Đông tạo ra không gian đa dạng, phù hợp với nơi chốn mà nó tồn tại.
Theo TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên - Đại học Kiến trúc TP. HCM, có điều lạ lùng này là do cha xứ xây dựng nhà thờ chánh tòa Bùi Chu là một người Tây Ban Nha, ông giám sát rất kỹ bản thiết kế và đã đưa các kiến trúc Baroque, Tây Ban Nha vào. Đặc biệt, ông còn kết hợp những yếu tố nghệ thuật của Việt Nam như các yếu tố hoa văn, họa tiết trang trí trên tường, trên trần…
Theo KST Cao Thành Nghiệp, một giá trị đặc sắc nữa của nhà thờ Bùi Chu là trần nhà thờ chủ yếu làm bằng vật liệu địa phương, trong đó có dùng vôi rơm tạo những vòm cong thoáng nhẹ, phù hợp với khí hậu nhiệt đới miền Bắc…
Công nghệ xây dựng của công trình này cũng rất đặc sắc với khung nhà bằng tường gạch chịu lực kết hợp những hàng cột gỗ lim đặt trên những bệ đá điêu khắc tinh xảo. Trần được làm bằng hỗn hợp vôi rơm và vật liệu địa phương.
Theo cảm quan thì có thể nhận thấy kết cấu khung chịu lực của nhà thờ vẫn còn tốt nhưng phần mái bị thấm dột khiến một số góc trần mái bị bong tróc, nứt nhẹ.
Xem những hình ảnh của nhà thờ Bùi Chu:
Bình luận