Sáng 26/8, ông Hồ Xuân Tịnh, phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho biết sở vừa cử một đoàn chuyên gia đến khu vực vùng biển Rạn Nhọn (cách mũi Bấc của ngọn đồi Bàn Than khoảng 300m về phía tây), thuộc xã Tam Hải, huyện Núi Thành để khảo sát số cổ vật mà người dân vớt được.
Tất cả số cổ vật này gồm ly, tách trà, chén, đĩa, bình bằng gốm, sứ có hoa văn đẹp, tinh xảo. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được niên đại, xuất xứ.
Trước đó, hàng ngàn cổ vật là các bình gốm, chén đĩa được các ngư dân vớt tại khu vực được cho có một chiếc tàu cổ bị chìm. Anh Nguyễn Vỹ (39 tuổi), trú thôn 1, xã Tam Hải, cho biết: “Khoảng một tháng trước, nhiều ngư dân đánh cá tại Rạn Nhọn khi lặn xuống biển để đánh cá, bắt ốc thì phát hiện nhiều mảnh vỡ chén, đĩa. Ngư dân nghi là đồ cổ nên đã gọi thêm người lặn vớt và tìm được nhiều bình gốm, chén đĩa, hũ loại nhỏ”.
Số đồ gốm được ngư dân xã Tam Hải trục vớt chưa xác định được niên đại, xuất xứ - Ảnh: Lê Trung |
Một số thương lái đã đến khu vực này chờ ngư dân vớt cổ vật để mua ngay tại đây. Một số thợ lặn từ địa phương khác nghe tin cũng đã đem tàu, thuyền tới trục vớt nhưng bị người dân ở đây cấm cản nên xảy ra xô xát, hỗn loạn.
Nhiều ngư dân cho biết chỉ cần lặn khoảng 30 phút, một thợ lặn có thể tìm thấy gần 10 hũ nhỏ bằng gốm hoặc ly, tách. Theo người dân, mỗi chiếc đĩa loại nhỏ còn nguyên vẹn được các thương lái mua với giá trên 1 triệu đồng, những hũ nhỏ thì bán với giá từ 200.000 đồng trở lên, tùy màu sắc và hoa văn trên hũ.
Nhiều ngư dân ở xã Tam Hải cũng cho biết cách đây vài ngày họ còn tìm thấy 2 mảnh gỗ nghi là thân tàu cổ. Một mảnh đã bị gãy có chiều dài hơn 1,2m, chiều ngang gần 0,5m, bề dày gần 0,1m.
Ông Tịnh cho biết thêm Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để có phương án bảo vệ, thăm dò, trục vớt cổ vật. Theo ông Tịnh, hiện chưa có thông tin chính xác về niên đại, xuất xứ của số cổ vật, cần phải có thời gian khảo sát, nghiên cứu thêm mới xác định được.
Theo TTO
Bình luận